Quảng Ninh có 22 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong đó, nhiều nhất là dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa, Mường… tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi như Bình Liêu (chiếm 95,8% dân số), Ba Chẽ (79,7%), Tiên Yên (47,2%), Hoành Bồ, Đầm Hà, Hải Hà, Cẩm Phả, Vân Đồn...
Đổi thay những vùng quê
Có đông đồng bào dân tộc thiểu số, lại định cư ở nhiều địa phương khác nhau nên Quảng Ninh đã thực hiện nhiều chính sách nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng mức sống cho người dân. Chính vì vậy mà trong những năm gần đây, diện mạo các thôn, bản đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi thay.
Điển hình như xã vùng cao biên giới Quảng Đức (huyện Hải Hà) có đến 90% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con trong xã từng nhiều năm rơi vào cảnh đói nghèo triền miên, thế nhưng đến nay, Quảng Đức đã thoát khỏi diện 135.
Để giải bài toán giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, xã chú trọng tăng vòng quay sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm của một xã miền núi, biên giới. Nhờ đó năng suất lúa 2 vụ nay đã đạt 42 tạ/ha, phát triển đàn gia súc lên đến 5.000 con... Ngoài ra, xã còn phát triển trồng cây chè, cây quế, trồng rừng để gia tăng nguồn thu cho người dân.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 36 triệu đồng/năm; Quảng Đức cũng cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
HTX Chu Ka là nơi tạo việc làm và phát triển nghề làm nón truyền thống của người Dao. |
Hay tại xã Quảng An (huyện Đầm Hà) cũng có đến 92% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số như Dao, Sán Chỉ… Tận dụng diện tích rừng che phủ gần 80% diện tích toàn xã, cùng với những nét đặc sắc về văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, Quảng An đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp và du lịch để nâng cao đời sống của người dân.
Đặc biệt, trước thực trạng nghề làm nón của người Dao có nguy cơ bị mai một, UBND xã Quảng An đã có kế hoạch khôi phục và phát triển nghề truyền thống gia truyền. Năm 2018, HTX Chu Ka chuyên sản xuất nón lá được thành lập thu hút 7 người dân tộc Dao làm thành viên.
Đến nay, HTX đã tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm nón lá Quảng An, lấy tên là “Nón Đại hiệp”. Sản phẩm đã được Sở Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp thương hiệu độc quyền. Đặc biệt, sản phẩm của HTX đã đạt OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao và được sản xuất đại trà nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Mô hình của HTX cũng là điểm du lịch của xã nên thu hút rất đông du khách đến tham quan trải nghiệm. Ngoài các thành viên, HTX còn tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục hộ gia đình người Dao.
Nhờ phát huy được những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2020, xã Quảng An đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 2%, hộ cận nghèo giảm dưới 7%.
Có thể thấy, nhờ biết phát huy nội lực và tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, các thôn, bản có đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh đã bứt phá đi lên, xây dựng cuộc sống mới ấm no hơn, sung túc hơn.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Sự đi lên của các xã vùng sâu vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Điều này cũng là minh chứng cho việc các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh trong phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đi vào cuộc sống.
Để làm được điều này, Quảng Ninh đã tập trung cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, thông qua Chương trình 135, Đề án 196, Chương trình xây dựng nông thôn mới..., các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa, hoàn thiện kết cấu hạ tầng…
Để đồng bào dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau, Quảng Ninh luôn tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất thông qua hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật. |
Từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã dần thay đổi tập quán canh tác, chú trọng chuyển đổi sang những giống cây trồng, vật nuôi mới cho hiệu quả kinh tế cao.
Anh Ngô Tiến Ngọc (xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu) cho biết, được Nhà nước hỗ trợ 50% giá trị con giống theo chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình anh đã nuôi 2.000 con gà/năm. Sau khi trừ chi phí, gia đình có thể thu về 100-120 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, hiện nay, theo thống kê, Quảng Ninh vẫn còn 555 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Để tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh xác định sẽ gắn giảm nghèo với mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và phát triển các HTX để không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tùng Lâm
Bài 2: Chú trọng xây dựng mối liên kết