Thôn Nặm Đăm, vùng đất bằng phẳng nằm dưới chân Cổng Trời Quản Bạ, nơi có đến mấy chục hộ gia đình người Dao cùng làm mô hình homestay cộng đồng. Toàn thôn có 60 hộ, 288 nhân khẩu đều là người dân tộc Dao. Trong những năm qua, nhờ phát triển du lịch cộng đồng kết hợp trồng cây thuốc quý, đời sống của người Dao nơi đây ngày một khấm khá. Năm 2022, Nặm Đăm đón khoảng 8.500 lượt khách du lịch, trong đó hơn 30% khách quốc tế. Tổng doanh thu trên 2 tỷ đồng.
'Bắt tay' nhau cùng làm du lịch đẩy lùi cái nghèo
2023 là năm thứ 11 kể từ ngày ông Lý Quốc Thắng đón những vị khách du lịch đầu tiên về làng Nặm Đăm. Ông nhận lời là người tiên phong làm du lịch không phải là hộ khấm khá của bản, cũng không hẳn ông là người hiểu biết nhất bởi ngay cả tiếng Kinh khi ấy ông còn nói chưa được nhiều từ, nhiều câu. Nhưng cán bộ huyện, xã rồi Bí thư chi bộ thôn bảo phải đổi mới, phải làm du lịch vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa vừa có tiền đẩy lùi cái nghèo.
Mô hình homestay cộng đồng của đồng bào Dao ở thôn Nặm Đăm. |
Nhà ông Thắng thuộc diện nghèo ở làng, theo sự giúp đỡ và hướng dẫn của cán bộ, ông Thắng đón những vị khách đầu tiên đến làng. Ông làm du lịch bắt đầu từ đôi bàn tay xù xì thô ráp chỉ biết nắm vào cái cày cái cuốc, vào bùn đất những mong ngày đủ bữa no bụng cho cả nhà. Và từ du lịch, bàn tay ấy đã được nắm vào những đồng tiền của từng đoàn khách lạ, ông mừng lắm.
"Số lượng khách du lịch đến thôn Nặm Đăm tăng nhanh theo từng năm, khoảng thời gian khách đến đông nhất vào tháng 10 – 11, mùa hoa Tam giác mạch. Khách ở nhà tôi thường là khách Tây, các đoàn khách trong nước cũng có nhưng ít hơn", ông Thắng nói.
Ông Lý Tà Đành, Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng thôn Nặm Đăm cho biết, từ năm 2012, được tỉnh Hà Giang, huyện Quản Bạ, xã Quản Bạ tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ, hướng dẫn thôn Nặm Đăm xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng. Đến nay, qua 10 năm triển khai Làng văn hóa du lịch cộng đồng, Nặm Dăm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao.
Đặc biệt, để đẩy mạnh quảng bá, tạo sự chuyên nghiệp, đồng bào Dao ở Nặm Đăm đã tham gia vào HTX. Anh Nguyễn Đỗ Mười sinh năm 1988, Giám đốc HTX du lịch cộng đồng Quản Bạ, là người trẻ tuổi nhưng do anh Mười có bằng Đại học, giỏi ngoại giao lại biết tính nhanh, biết hi sinh vì lợi ích của người làng nên được người làng tín nhiệm bầu làm Giám đốc.
Bà con người Dao mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách. |
HTX du lịch cộng đồng Quản Bạ của anh Mười được thành lập từ năm 2018 đến nay có 30 thành viên, trung bình mỗi thành viên thu nhập 20 triệu đồng/tháng từ dịch vụ du lịch homestay.
Tất nhiên, trong hành trình đó, HTX du lịch Cộng đồng Quản Bạ cũng gặp nhiều khó khăn như tiếp cận khách hàng; thiếu nguồn vốn nâng cao năng lực cho các thành viên... Tuy vậy, theo thời gian, HTX dưới sự dẫn dắt của anh Mười đã dần vượt qua khó khăn và đoàn kết cùng nhau xây dựng hình ảnh du lịch của Nặm Đăm, bởi nếu không đón được khách, không có tiền trả cho Nhà nước thì cái nghèo cứ chạy từ nhà này đến nhà khác mãi mà chẳng chịu chạy ra khỏi làng.
Vừa làm du lịch vừa phát triển dược liệu
Không chỉ làm du lịch, đồng bào Dao ở Nặm Đăm còn phát triển kết hợp với việc trồng và chế biến các sản phẩm dược liệu. Một trong những mô hình tiêu biểu phải kể tới là HTX cộng đồng Nặm Đăm. Anh Lý Tà Dèn, Giám đốc HTX cộng đồng Nặm Đăm cho biết, ngành nghề chủ yếu của HTX là trồng và chế biến các sản phẩm dược liệu, kinh doanh các ngành nghề, như: tắm lá thuốc, xông hơi, dịch vụ lưu trú, điều hành tua du lịch…
HTX cộng đồng Nặm Đăm vừa phát triển du lịch vừa chế biến các sản phẩm dược liệu. |
"Mặc dù, ban đầu gặp không ít khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của các thành viên cũng như sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay, HTX cộng đồng Nặm Đăm đã tạo dựng được thương hiệu sản phẩm, sản xuất, kinh doanh ổn định từ hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến dược liệu có doanh thu ngày một tăng, tạo sự tin tưởng với người tiêu dùng", anh Dèn cho biết.
Để nâng cao giá trị sản xuất, HTX đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, như: Nhà tắm lá thuốc, hệ thống nhà xưởng sơ chế, chế biến dược liệu với diện tích trên 4.000 m2, nồi chiết suất bằng hơi có công suất 1,5 tấn nguyên liệu/ngày và vườn bảo tồn cây thuốc người Dao với tổng diện tích hơn 0,3 ha…
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, mỗi năm HTX triển khai trồng từ 5 – 10 ha cây dược liệu, như: Đương quy, Huyền sâm, Kim ngân hoa, củ Hoành tinh, củ Dòm… Bằng việc đầu tư cơ sở vật chất, hơn 6 năm, HTX sơ chế, chế biến hơn 150 tấn nguyên liệu từ cây Atiso, Đương quy, hơn 150 tấn nguyên liệu dược liệu thu hái tự nhiên.
Bên cạnh đó, HTX còn sản xuất được một số sản phẩm, như: Cao Atiso; cao củ Dòm; cao mạnh gân hoạt cốt; cao ích não; trà gừng, dầu xoa bóp Nặm Đăm; cao Hà thủ ô; nước tắm thảo dược… trong đó, có hai sản phẩm đạt 3 sao OCOP là cao Atiso và trà gừng Cao nguyên đá. Mỗi năm HTX tạo công ăn việc làm liên tục cho 30 lao động, khoảng 15 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, HTX đã đầu tư xây dựng lại khu nhà tắm mới 1,5 tỷ đồng ở địa điểm đẹp hơn, trên đỉnh đồi của trụ sở HTX, trong phòng tắm có view nhìn xuống thung lũng; nội thất, bồn tắm của mỗi phòng đều bằng gỗ, tạo cho khách hàng cảm nhận gần gũi với thiên nhiên. Với mức giá rất phải chăng là 120.000 đồng/người.
"Tại khu nhà tắm còn có phòng trưng bày sản phẩm, khi du khách tới sẽ được nhân viên mời uống trà - những sản phẩm của HTX. Sự kết hợp giữa sản xuất sản phẩm dược liệu và du lịch đã tạo ra một điểm nhấn mới cho HTX, giúp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Dao", anh Dèn nói.
Đưa du lịch cộng đồng phát triển bền vững
Ông Nguyễn Tiến Hồng, Trưởng phòng Văn hóa huyện Quản Bạ cho rằng, ngoài bảo tồn văn hoá của người Dao thì du lịch cộng đồng đã giúp giảm nghèo bền vững và góp phần làm chuyển đổi nhận thức của đồng bào từ làm nông nghiệp sang làm du lịch.
Cũng theo ông Hồng, qua 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đến năm 2022, du lịch Quản Bạ đã có nhiều khởi sắc khi số lượng khách trong nước và Quốc tế đến địa phương tăng trở lại. Đây cũng là yêu cầu đặt ra đối với những hộ làm homestay.
"Thời gian dịch bệnh đồng bào không có thu nhập, rồi dịch qua lại thiếu tiền đầu tư sửa sang nhà cửa. Lo khi đông khách sẽ khó đáp ứng, vừa qua chúng tôi đã triển khai các giải pháp để hỗ trợ người dân, HTX làm homestay và quảng bá du lịch", ông Hồng cho hay.
Có thể thấy, làm du lịch đã góp phần cải thiện và nâng cao cuộc sống đồng bào tại những lõi nghèo của tỉnh Hà Giang. Tỉ lệ hộ nghèo tại khu vực này giảm bình quân hơn 5% mỗi năm, đây là một kết quả khá cao so với các tỉnh miền núi phía Bắc.
Để thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển bền vững, huyện Quản Bạ đã xác định loại hình du lịch khám phá, du lịch cộng đồng là hướng phát triển trọng tâm; tiếp tục thực hiện công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch; quan tâm bảo vệ môi trường và tôn tạo tài nguyên du lịch; bảo tồn hệ thống di tích lịch sử, phát triển văn hóa kết hợp với khôi phục làng nghề truyền thống, góp phần làm phong phú thêm nguồn tài nguyên du lịch.
Đồng thời, tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, tiềm năng, sản phẩm, tài nguyên du lịch để thu hút du khách đến với địa phương, góp phần tạo sinh kế cho người dân.
Tâm Anh