Sau 20 năm xây dựng, HTX Hồng Phước ở xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã có bước phát triển mạnh mẽ. Ngày đầu thành lập, HTX chỉ có 7 thành viên, vốn điều lệ vỏn vẹn 200 triệu đồng, đến nay đã có 20 thành viên, vốn điều lệ tăng lên 5 tỷ đồng... Hiện HTX đang tiêu bao toàn bộ củ dong riềng cho đồng bào các dân tộc 8 xã vùng cao của tỉnh Điện Biên
Đổi hướng sản xuất để đem lại thu nhập cho thành viên
Nhắc đến Lò Văn Pâng “dong riềng”, giám đốc HTX Hồng Phước, bản Tà Cáng, xã Nà Tấu ai cũng biết, bởi anh là người “mở đường” đưa cây dong riềng về xóa đói giảm nghèo cho bà con nhiều xã vùng cao, giúp họ có cuộc sống ấm no. Anh cũng là người đầu tiên triển khai kỹ thuật làm tinh bột dong, miến dong trên địa bàn, để việc sản xuất, tiêu thụ thành chuỗi liên kết khép kín, vừa đảm bảo giá thu mua nông sản, vừa tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân.
Miến dong Hồng Phước được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. (Ảnh: Int) |
Anh Lò Văn Pâng, cho biết, ngày đầu mới thành lập, HTX khó khăn vô cùng, hoạt động chính là thu mua dong riềng tươi và bán cho các thương lái hưởng chênh. Tuy nhiên, thu nhập cũng bấp bênh do phụ thuộc vào thị trường. “Được mùa mất giá, được giá thì chúng tôi phải cạnh tranh với tiểu thương ở Sơn La, Hòa Bình lên mua. Vì thế thu nhập của xã viên chẳng đáng là bao, cuộc sống vẫn khó khăn" anh Pâng chia sẻ thêm.
Không thể để cho cuộc sống của các thành viên HTX nghèo mãi được, anh Pâng đã bàn với các thành viên, đổi hướng sản xuất đầu tư xây dựng các xưởng chế biến tinh bột dong riềng. Các thành viên HTX liên hệ đến các cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột dong riềng nổi tiếng ở Lai Châu, Sơn La để học hỏi kinh nghiệm cách chế biến.
“Quá trình tham khảo, chúng tôi nhận thấy, làm ra tinh bột thì đơn giản, nhưng làm thế nào để tăng năng xuất, bột phải trắng, ngon sau khi chế biến thì lại là câu chuyện khác. Hơn nữa việc xử lý chất thải sau khi chế biến tinh bột nhằm đảm bảo môi trường cũng là vấn đề lớn đối với HTX" anh Pâng cho biết.
Dù nhìn thấy khó khăn, nhưng HTX vẫn quyết tâm đổi hướng sản xuất để mang lại thu nhập cho thành viên. Theo đó, HTX quyết định đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng dây chuyền chế biến tinh bột dong riềng thành miến dong. “Năm 2014 sau khi nhà xưởng, dây chuyền lắp đặt xong, tôi và các thành viên thử sản xuất một lượng vừa phải miến dong để cung cấp cho thị trường. Không ngờ miến dong mình sản xuất được khách hàng ưa chuộng và đánh giá cao”, Giám đốc HTX cho hay.
Từ thành công ban đầu HTX mở rộng quy mô sản xuất, đến nay HTX có 1 cơ sở làm miến dong và 4 cơ sở sản xuất bột dong riềng tại các xã: Nà Tấu (2 cơ sở), Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông), Nậm Nèn (huyện Mường Chà). Mỗi cơ sở sản xuất bao tiêu sản phẩm cho bà con tại khu vực với sản lượng khoảng trên 3.000 tấn củ/vụ. Các sản phẩm tinh bột dong riềng và miến dong của HTX phân phối không chỉ trong tỉnh mà còn đi nhiều tỉnh phía Bắc.
Xây dựng thương hiệu đạt chứng nhận OCOP
Để thương hiệu HTX Hồng Phước vươn xa, anh Pâng đã gửi sản phẩm miến dong Hồng Phước đi thi sản phẩm OCOP. Và niềm vui đã đến với HTX khi sản phẩm miến dong được UBND tỉnh Điện Biên trao chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao ngay trong lần đầu tiên tham dự.
Hiện nay, giá dong riềng HTX Hồng Phước đang thu mua củ tươi là 2.000đồng/kg. Mỗi năm đơn vị này thu mua khoảng 1.500 tấn củ dong tươi, sản xuất khoảng 3.000 – 3.500 tấn bột cung cấp cho thị trường, đơn vị này cũng trực tiếp sản xuất khoảng 50 – 70 tấn miến thành phẩm, đạt chất lượng OCOP 3 sao.
Đây là một trong những cơ sở thu mua và chế biến nông sản có uy tín trên vùng Nà Tấu, Điện Biên. Và cũng là đơn vị thu hút được rất nhiều nhân công lao động phổ thông tham gia vào chuỗi cung ứng và sản xuất khép kín tại Điện Biên.
Với mô hình này, HTX không chỉ tạo vùng trồng dong riềng có giá trị kinh tế cao mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động người dân tộc thiểu số tại nhiều xã vùng cao của tỉnh Điện Biên, với mức thu nhập trung bình 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Anh Pâng chia sẻ: “Tôi có dự định tiếp tục nhân rộng cơ sở sơ chế dong riềng đến các địa bàn khác như Tủa Chùa. Nhiều nơi bà con đã tự học hỏi, thử nghiệm trồng dong riềng trên nương cũ đã bạc màu. Nhưng do xa nơi thu mua, không có cơ sở chế biến tại địa bàn nên trồng không tập trung và bán giá không được cao. Nếu mình lập địa điểm thu mua, sơ chế tại chỗ thì sẽ đảm bảo được cho người dân giá cả và nơi tiêu thụ. Họ sẽ mạnh dạn phát triển tăng diện tích dong riềng. Giúp người dân làm giàu, xóa đói giảm nghèo thì mình cũng tăng quy mô sản xuất”.
Tuy nhiên, vấn đề khiến HTX trăn trở hiện nay là việc xử lý nước thải từ sản xuất và chế biến dong riềng. “Hiện nay hệ thống bể lắng của HTX cơ bản đã đáp ứng được việc sơ chế và sản xuất tinh bột dong và thành phẩm miến dong. Điều này nhằm giảm thải việc thải nước sơ chế củ dong ra môi trường. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn sự hỗ trợ của các ban ngành để xây dựng nhà máy xử lý nước thải theo quy chuẩn để tránh gây ô nhiễm tài nguyên đất và tài nguyên nước”, Anh Lò Văn Pâng chia sẻ.
Mang 'cây lạ', vật nuôi về làm giàu cho thành viên
Khi sản phẩm miến dong có chỗ đứng trên thị trường, HTX Hồng Phước lại có bước đi táo bạo mà chưa có đơn vị tư nhân nào làm. Trồng cây "tỷ đô" mắc ca trên đỉnh đèo Tằng Quái.
Anh Lò Văn Pâng, giám đốc HTX Hồng Phước kiểm tra cây mắc ca trước mùa thu hoạch. |
Anh Pâng chia sẻ khi quyết định trồng mắc ca: "Lúc tôi đưa ra ý tưởng thì nhiều thành viên cũng có ý kiến không đồng tình. Nhưng bằng mọi cách tôi đã thuyết phục được những thành viên khó tính nhất để trồng mắc ca".
Năm 2016 mới trồng thử nghiệm 5ha, sau khi thấy cây mắc ca phát triển tốt, HTX đã đầu tư, đến nay vườn mắc ca hơn 30ha của HTX đã cho thu hoạch, đến năm 2022 hơn 30ha mắc ca của HTX đã cho thu hoạch trên 10 tấn hạt thành phẩm. Với giá bán trung bình 250 nghìn đồng/kg đã đem lại cho HTX nguồn thu hơn 2,5 tỷ đồng. Hiện nay, sản phẩm mắc ca Hồng Phước đang được khách hàng ưa chuộng. Theo anh Pâng, sản phẩm sản xuất, đóng hộp ra đến đâu được các tiểu thương mua hết đến đấy.
Bên cạnh đó, HTX còn đầu tư trên 500 triệu đồng để làm chuồng trại chăn nuôi dê sinh sản và dê thịt. Từ chỗ chỉ nuôi vài chục con sinh sản, nhưng nhận thấy dê phát triển nhanh và cho thu nhập cao hơn nhiều so với nuôi lợn, HTX quyết định đầu tư tăng đàn dê, hiện nay lúc nào trong chuồng cũng có hơn 300 con dê sinh sản và dê thịt.
Riêng với mô hình chăn nuôi dê, HTX Hồng Phước đã tạo công việc cho 30 công nhân lao động thường xuyên với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng. Các thành viên có mức thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/thành viên/năm.
Sau 17 năm tập trung cho sản xuất, kinh doanh, đến nay, HTX Hồng Phước đã đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng: 5 ha cà phê (đã cho thu hoạch); 50 ha cây dong riềng; 30 ha cây mắc ca (trong đó, 5 ha đã có thu hoạch); 5 ha cây ăn quả; 0,5 ha ao nuôi cá; 4 cơ sở chế biến miến dong; 1 lò sấy sắn; 4 trạm cân ô tô điện tử 100 tấn; 3 ô tô tải; 2 máy xúc; 1 máy ủi.
Với tổng mức thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, HTX tạo việc làm cho trên 100 lao động tại địa phương, mức thu nhập trung bình từ 7- 10 triệu đồng/tháng, giúp đỡ bà con trong xã về vốn khoảng 100 triệu đồng không lấy lãi.
Hoàng Hà