Đáng chú ý, với đặc thù huyện vùng cao, quy tụ 14 dân tộc thiểu số, trình độ canh tác của người dân trên địa bàn còn hạn chế, để nâng cao giá trị sản suất, huyện đã đẩy mạnh hướng dẫn, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất để mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Đi đầu ứng dụng công nghệ
Gần 3 năm qua, mô hình trồng nho hạ đen của anh Trần Văn Tầng, dân tộc Sán Dìu, thôn Vá, xã An Bá trở thành một trong những mô hình nổi bật trong ứng dụng kỹ thuật, cho giá trị cao ở Sơn Động.
Anh Tầng kể, vào năm 2020, sau khi nghiên cứu, nhận thấy cây nho hạ đen có sự thích ứng tuyệt vời với thổ những địa phương, anh quyết định “đánh liều” vay 500 triệu đồng để xây dựng nhà lưới, trang bị hệ thống tưới tự động, nhằm phát triển mô hình trồng nho quy mô lớn.
Mô hình trồng nho của anh Tầng xuất phát điểm trên diện tích hơn 1.000 m2, canh tác 600 gốc nho. Để đảm bảo hiệu quả, anh xin tư vấn kỹ thuật của người thân (đang phát triển mô hình trồng nho tại Nhật Bản) thông qua điện thoại và internet.
Mô hình trồng nho chất lượng cao của anh Trần Văn Tầng , người dân tộc Sán Dìu (Ảnh: BBG). |
Việc tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, đầu tư thích đáng cho công nghệ mới đã nhanh chóng giúp anh Tầng gây dựng thành công vườn nho. Khu nhà màng đầu tiên phát triển tốt, anh Tầng bắt tay làm khu nhà màng thứ hai, triển khai thêm 1.400 gốc nho chất lượng cao.
“Sau bao nỗ lực, vụ đầu tiên hai khu trồng nho cho thu hoạch gần 1,5 tấn. Chất lượng vượt trội, lại thêm giống nho mới lấy từ Nhật Bản nên thương lái đến tận vườn mua, giá trung bình 170 nghìn đồng/kg. Đến nay, vườn nho tiếp tục cho năng suất giá trị cao”, anh Tầng nói.
Khu trồng nho của anh Tầng, một người dân tộc Sán Dìu, thực sự trở thành hiện tượng tại một huyện vùng cao, còn nhiều khó khăn như Sơn Động. Không chỉ cho giá trị cao về kinh tế, khu vườn của anh còn đặc biệt là các khâu chăm sóc như tưới, bón phân… được cài đặt, điều chỉnh thông qua bộ điều khiển.
Cùng với những mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao, những năm qua, tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, huyện Sơn Động đã phát triển các nghề truyền thống như nuôi ong mật, trồng rừng nguyên liệu, nấu rượu men lá và chăn nuôi giống lợn bản địa…
Điển hình, huyện đang dành nhiều nguồn lực, quan tâm đầu tư, hướng dẫn người dân trồng, khai thác hiệu quả hơn 7,7 nghìn ha diện tích gieo trồng cây hàng năm. Các địa phương tăng tường hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Như với mô hình trồng chè Bát Tiên, người dân ở thị trấn Tây Yên Tử được hỗ trợ trang bị máy sao, vò chè và thùng sấy hiện đại, vừa giúp tiết kiệm thời gian vừa góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tương tự, nhiều hộ dân ở xã Đại Sơn cũng quan tâm trồng vải thiều, táo theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng, giá trị từ loại cây trồng này.
Liên kết nâng cao giá trị
Đầu năm 2023, sau nhiều năm nỗ lực, sản phẩm táo của HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Đại Sơn (xã Đại Sơn) được trao chứng nhận VietGAP, hứa hẹn mở ra một chương mới cho thành viên và các hộ liên kết, phát triển mô hình.
Với sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm, xã Đại Sơn được mệnh danh là “thủ phủ” trồng táo trên địa bàn huyện Sơn Động. Năm 2022, cây táo VietGAP mang lại cho người dân địa phương hơn 14 tỷ đồng.
Trong năm 2023, sản lượng táo toàn vùng dự kiến đạt hơn 400 tấn. Với giá bán bình quân 40-55 nghìn đồng/kg, nhiều người dân dự kiến thu về 150-300 triệu đồng. Kể từ Tết Nguyên đán đến nay, táo được giá, thương lái đặt hàng qua HTX Đại Sơn bình quân mỗi ngày tiêu thụ trên 30 tấn.
Mô hình nuôi ong mật cũng đang cho hiệu quả cao ở Sơn Động. Ông Chu Xuân Tuyên, dân tộc Tày, xã Yên Định chia sẻ, trước năm 2018, kinh tế gia đình gặp vô vàn khó khăn, quy mô chăn nuôi ong nhỏ lẻ, không có điều kiện nâng số lượng đàn.
Ong mật Sơn Động đang trở thành sản phẩm thế mạnh, ngày càng được người tiêu dùng biết đến (Ảnh: BBG). |
Năm 2018, ông Tuyên được hỗ trợ 30 đàn ong giống theo chương trình 30a, cùng với số đàn ong có sẵn, ông mở rộng sản xuất lên hơn 200 đàn. Ngay năm đầu tiên phát triển đàn ong, ông thu được 200 lít mật. Trong 3 năm qua, đàn ong đã mang lại cho gia đình ông thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Theo ông Tuyên, nuôi ong vốn ít, lãi nhiều, tận dụng thế mạnh của miền núi, vùng cao có diện tích rừng lớn nên nghề này rất phù hợp với những hộ nghèo. Đặc biệt, sản phẩm mật ong của ông được thương lái đến tận nhà thu mua nên thu nhập từ mật ong tăng lên đáng kể.
Hiện nay, ông Tuyên đang truyền nghề cho 2 người con trai cùng mong muốn mở rộng mô hình, kết hợp giữa trồng rừng, cây ăn quả và chăn nuôi. Ngoài ra, với bà con làng xóm, ông luôn sẵn sàng cung cấp giống và trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ong để cùng nhau chung tay xây dựng đời sống ấm no.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả
Bên cạnh táo và mật ong, huyện Sơn Động còn có hàng loạt mặt hàng nông sản thế mạnh, được công nhận 3 sao OCOP, như nấm lim xanh của HTX nấm huyện Sơn Động (xã Cẩm Đàn), cam Xoàn Bắc Giang của HTX Sen Ngọc (xã Vân Sơn), nho đen không hạt của HTX Sinh Lợi (thị trấn An Châu), rượu men lá của HTX Dịch vụ - Thương mại An Lập (xã Vĩnh An)…
Những điển hình thoát nghèo là minh chứng cho thấy bức tranh kinh tế - xã hội huyện Sơn Động đang có chuyển biến toàn diện. Đến nay, đời sống nhân dân trong huyện được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm, vượt kế hoạch đề ra.
Để có được kết quả trên, thời gian qua, UBND huyện dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân, đặc biệt là người dân vùng dân tộc thiểu số đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác, đưa những giống mới vào sản xuất.
Tuy nhiên, qua đánh giá, trình độ, kỹ thuật canh tác còn hạn chế, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp có nhưng ít, chỉ mang tính thời vụ, chưa bền vững...
Để khắc phục những hạn chế này, từng bước đưa khoa học công nghệ vào thực tế, "chắp cánh" cho nông nghiệp của huyện, Sơn Động đang tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang, các cơ quan, đơn vị, nhà trường nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất.
Cụ thể, huyện đang triển khai nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển cây chanh leo tạo vùng nguyên liệu gắn với liên kết sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Phát triển mô hình thâm canh cây dổi theo hướng lấy hạt kết hợp cung cấp gỗ lớn...
Theo UBND huyện Sơn Động, thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm nghiên cứu, tìm ra những giống cây mới phù hợp với địa bàn và giá trị cao. Các đề tài, nhiệm vụ sẽ được thực hiện sát theo thực tế, hướng đến kết quả tốt nhằm tạo sức bật cho nông nghiệp của huyện, từ đó cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số từng bước thoát nghèo bền vững.
Lệ Chi