Tại Hội thảo tham vấn chính sách phát triển kinh tế tập thể đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự án luật HTX (sửa đổi) hồi đầu tháng 4 này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, sau khi tổng kết hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết TW về kinh tế tập thể, năm 2022 Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Trong đó, khẳng định KTTT là thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế quốc dân và xác định trách nhiệm nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm chính, trực tiếp là của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.
Vẫn… khó trăm bề
Tuy nhiên, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nói rằng, mặc dù Luật HTX năm 2012 đã được sửa đổi nhằm thúc đẩy thành phần kinh tế này phát triển, tuy nhiên KTTT trong vùng DTTS và miền núi, nhất là vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn còn chưa phát triển mạnh.
“Quy mô HTX chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, phương thức sản xuất, vận hành, quản trị hợp tác xã còn lạc hậu, chưa có nhiều ứng dụng công nghệ, kiến thức mới vào sản xuất. Số lượng các HTX được thành lập mới, số các HTX hoạt động có hiệu quả, phát triển mạnh về quy mô còn chưa nhiều…”, Ông Y Thanh Hà Niê Kdăm đánh giá.
Hiện nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi có 11.558 HTX, chiếm 42,4% tổng số HTX của cả nước, thu hút hàng triệu lao động. Bởi vậy, một chính sách dài hơi sẽ là “đòn bẩy” quan trọng để khu vực kinh tế tập thể, HTX trong vùng đồng bào DTTS bứt lên trong những năm tới. |
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do chưa có cơ chế đặc thù để hỗ trợ phù hợp, giải quyết đất đai, vốn và công nghệ cho các hợp tác xã Một số cơ chế được quy định trong luật nhưng chậm, chưa cụ thể hóa, hoặc việc cụ thể hóa nhưng khó thực hiện trong thực tiễn do yếu tố nguồn lực, điều kiện đảm bảo và chưa khả thi. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ, chính quyền các cấp và người dân còn chưa đầy đủ về thành phần kinh tế tập thể này. Ngoài ra, cơ quan, bộ máy quản lý nhà nước chưa có nhiều đổi mới theo hướng chuyên trách để kiến tạo, hỗ trợ thành phần kinh tế này phát triển.
Hiện nay, vùng DTTS và miền núi hiện có gần 3,7 triệu hộ, chiếm 13,7% tổng số hộ của cả nước, 86% dân số DTTS sống ở nông thôn. Sinh kế của đồng bào DTTS chủ yếu vẫn là sản xuất nông, lâm nghiệp. Tỷ trọng lao động có việc làm trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp là 72,3%, cao gần gấp đôi so với bình quân chung của cả nước. 20/53 dân tộc có chỉ tiêu này cao trên 95%.
Đối với đồng bào DTTS, đất sản xuất quý hơn vàng vì liên quan trực tiếp đến sinh kế nhưng tình trạng không có hoặc thiếu đất sản xuất đang diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, cả nước đang còn gần 83.000 hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất, với diện tích cần 29.593 ha.
Kỳ vọng vào Luật HTX (sửa đổi)
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã đưa ra mục tiêu rất cụ thể. Theo đó, đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên.
Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV vào tháng 5/2023, được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, phát triển thành viên, bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của HTX.
Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới mà Liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố cần phải tập trung chính là tiếp tục tập huấn nâng cao năng lực cho các hợp tác xã; trong đó, đẩy mạnh chuyển đối số; tích cực tổ chức các chương trình kết nối với thị trường nước ngoài; đẩy mạnh xúc tiến cả trong và ngoài nước; xây dựng bản đồ sản phẩm của các hợp tác lớn trong toàn quốc để cung cấp thông tin rộng rãi; xây dựng tiêu chí sản phẩm của liên minh hợp tác xã…
“Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước gỡ nút thắt về nguồn vốn cho các HTX, trong đó có việc xem xét hiệu quả của phương án kinh doanh. Đồng thời, các Bộ ngành cần rà soát lại các văn bản, chính sách hỗ trợ, bổ sung cụm từ HTX để khu vực này dễ dàng tiếp cận nguồn lực hỗ trợ...”, người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam nói.
Trong bối cảnh như vậy, bà Chu Thị Vinh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, dự thảo Luật HTX (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV vào tháng 5/2023, được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, phát triển thành viên, bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của HTX.
“Đặc biệt, Luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất HTX, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào khu vực kinh tế tập thể. Từ đó, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đạt những mục tiêu mà Nghị quyết của Đảng đã đề ra”, bà Vinh nhấn mạnh.
Trà My