Xã Việt Thành (Trấn Yên) được biết đến là "thủ phủ" của nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Yên Bái. Nếu trước kia, người dân nơi đây gắn bó với ruộng lúa, nương ngô thì giờ đây phủ một màu xanh bạt ngàn của cánh đồng dâu với diện tích gần 200ha. Người dân nơi đây đã coi việc trồng dâu, nuôi tằm là nghề truyền thống, giúp xóa đói giảm nghèo, hàng trăm hộ đã vươn lên làm giàu.
Phát huy lợi thế từ cây trồng thế mạnh
Việt Thành là một trong những địa phương thành công trong chương trình dâu tằm, đến nay địa phương đã quy hoạch vùng trồng dâu tập trung gần 200ha, tập trung chủ yếu ở các thôn ven sông Hồng như Lan Đình, Trúc Đình, Phúc Đình.
Đặc biệt, chính quyền địa phương luôn khuyến khích các hộ dân liên kết chặt chẽ trong sản xuất dâu tằm, hiện xã đã thành lập được 1 HTX dâu tằm tơ và 36 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm. HTX đã tạo được mối liên doanh liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, từ cung ứng vật tư, sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo phát triển bền vững.
![]() |
Phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm nâng cao cuộc sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. |
Thấy được hiệu quả kinh tế cao từ việc trồng dâu, nuôi tằm, nhiều hộ dân tộc thiểu số đã tham gia vào chuỗi liên kết của HTX dâu tằm tơ Việt Thành. Tham gia HTX các thành viên HTX được tập huấn kỹ thuật chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho cây dâu, kỹ thuật nuôi tằm, sát khuẩn, khử trùng để tằm sinh trưởng và cho sản lượng kén tốt. Bên cạnh đó, được đầu tư cho né gỗ ô vuông, giúp con tằm làm kén không bị kết đôi, kết ba, chất lượng kén đẹp và được giá hơn. Trừ hết chi phí, mỗi ha trồng dâu thu về gần 150 triệu đồng/năm.
Bà Triệu Thị Bích Liệu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trấn Yên cho biết: Để vùng trồng dâu phát triển ổn định lâu dài, tỉnh Yên Bái đã có chính sách hỗ trợ và khuyến khích bà con trồng dâu bằng các giống cây dâu mới, con tằm mới cho năng suất, chất lượng cao hơn các giống cũ. Đồng thời, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nuôi tằm để người dân ứng dụng vào sản xuất trong trồng dâu nuôi tằm. Điển hình như áp dụng kỹ thuật nuôi trên nền nhà thay cho nuôi bằng long như trước đây để giảm chi phí đầu tư và tiết kiệm được thời gian lao động trong chăn nuôi tằm.
Đẩy mạnh thành lập HTX
Không chỉ cây dâu tằm, huyện Trấn Yên còn tập trung phát triển các loại cây trồng chủ lực như quế, măng tre Bát độ, chè, cây dược liệu, cây lâm nghiệp... Trong đó, các HTX đóng vai trò quan trọng. Đơn cử, HTX 6/12 ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đã liên kết với doanh nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu với hơn 4.000ha quế.
Đáng chú ý, nhờ liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm mà năm 2020, dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung nhưng việc chế biến, xuất khẩu tinh dầu của HTX 6/12 vẫn đảm bảo. HTX không chỉ giúp các hộ dân tộc thiểu số yên tâm sản xuất quế mà còn tạo công ăn việc làm cho hơn 30% lao động là người dân tộc thiểu số như Tày, Dao, Sán Dìu... trên địa bàn huyện.
![]() |
HTX đẩy mạnh liên kết với DN để tiêu thụ sản phẩm quế. |
Thống kê 4 tháng đầu năm 2021, huyện Trấn Yên đã thành lập mới 10 doanh nghiệp bằng 40% kế hoạch, thành lập mới 5 HTX bằng 50% kế hoạch và thành lập mới 60 tổ hợp tác bằng 40% kế hoạch.
Một số doanh nghiệp, HTX đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, máy móc, mở rộng thị trường kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất VietGap tạo, bước đột phá trong sản xuất, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, một số HTX còn liên kết với các doanh nghiệp lớn, mở rộng ngành nghề, phát triển kinh doanh tổng hợp, kết hợp giữa dịch vụ với sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Thông qua các HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước xóa bỏ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hướng đến mô hình liên kết, sản xuất quy mô lớn. Đồng thời góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo thêm ngành nghề mới, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho các thành viên của HTX, tổ hợp tác cũng như người lao động.
Theo ông Trần Đông, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên, vấn đề đặt ra không chỉ với riêng Trấn Yên mà cả các địa phương khác trên cả nước là phải giải quyết được mắt xích liên kết giữa người dân, HTX, Nhà nước và doanh nghiệp trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Điều này sẽ giúp người nông dân yên tâm sản xuất, ổn định đầu ra.
Thy Lê
Bài cuối: Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp