Hiện tại, tổng số người Mông ở Lào Cai theo Công giáo là 9.214 tín đồ, sinh hoạt chủ yếu ở giáo xứ SaPa và giáo xứ Lào Cai, với 15 giáo họ, 18 cơ sở thờ tự, 20 linh mục, 120 chức việc. Sự phát triển tín đồ trong cộng đồng người Mông ngoài tăng tự nhiên, tăng cơ học cũng khá nhanh nên số người mới gia nhập đạo ngày càng nhiều.
Công giáo đã khẳng định được sức sống riêng
Từ khi du nhập vào cộng đồng người Mông ở Lào Cai đến nay đã gần một thế kỷ, đạo Công giáo đã khẳng định được sức sống riêng. Đối với một bộ phận người Mông theo đạo Công giáo đã làm thay đổi đời sống tâm linh của họ, từ thờ đa thần sang thờ độc thần, từ tín ngưỡng truyền thống sang tôn giáo mới. Công giáo thực sự đã có tác động đến đến mọi mặt của đời sống văn hóa - xã hội của một bộ phận người Mông.
Tín đồ Công giáo ở Lào Cai đa số là nông dân, họ có đức tin rất sâu sắc và khá kiên đạo. |
Anh Giuse Mua Vang Sang thuộc giáo phận Hưng Hóa tại nhà thờ Sapa, là thành viên trong nhóm truyền giáo của giáo họ, anh cùng gia đình gồm 7 thành viên thường tập trung trước bàn thờ trong nhà, đọc kinh và lần hạt Mân Côi bằng tiếng Mông mỗi ngày sau bữa ăn tối. Bố mẹ anh và mẹ vợ cũng tham gia các giờ kinh tối, vốn là truyền thống lâu đời trong gia đình.
“Chúng tôi cho tất cả các con mình rửa tội tại nhà thờ, sau đó dạy cho chúng làm dấu thánh giá, đọc kinh Lạy Cha trước các bữa ăn và đọc kinh hàng ngày trước khi đi ngủ”, anh Sang cho biết.
Có thể nói, ảnh hưởng tích cực của Công giáo đến văn hóa trong cộng đồng người Mông có đạo là rất lớn, thể hiện trên nhiều lĩnh vực: văn hóa, y tế, giáo dục, đạo đức lối sống…
Các tín đồ Công giáo người Mông ở Lào Cai phấn khởi tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước cũng như của địa phương. Giáo dân chung tay xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện, đồng lòng theo Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Thành, quản xứ Lào Cai cho biết, tín đồ ở đây đa số là nông dân, họ có đức tin rất sâu sắc và khá kiên đạo. Thông qua đạo Công giáo, người Mông không chỉ biết đến một tôn giáo mới với giáo lý khá nghiêm ngặt tạo ra lối sống mới như hôn nhân một vợ một chồng, cấm rượu chè, cờ bạc bê tha… mà còn có cơ hội được chiêm ngưỡng những tác phẩm hội họa lừng danh, những bản nhạc bất hủ.
Có thể nói, người Mông theo Công giáo ở Lào Cai hiện nay có nền nếp và ổn định. Đội ngũ chức sắc, chức việc ngày càng nhiều. Số linh mục được cử đến các giáo họ, giáo xứ để làm mục vụ và hướng dẫn tín đồ thực hành nghi lễ tăng nhanh, nhất là các linh mục dòng.
Mỗi giáo họ, giáo điểm đều có Ban hành giáo giúp việc cho linh mục và phụ trách các hoạt động của cộng đoàn. Ở những giáo họ lớn đã xây dựng những hội đoàn như: Hội múa hát dâng hoa, Hội Lê giô, ca đoàn… Cơ sở thờ tự của giáo xứ, giáo họ và giáo điểm được sửa sang, xây mới, tu bổ để làm nơi sinh hoạt tôn giáo. Đến nay, các giáo họ đã được công nhận đều đã có nhà thờ hoặc nhà nguyện. Ở những nơi ít tín đồ cũng có điểm sinh hoạt tập trung.
Đặt lợi ích Công giáo vào lợi ích dân tộc
PGS. TS Lê Bá Trình, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, nhìn chung sinh hoạt tôn giáo vùng DTTS hiện nay, nhìn chung các chức sắc, tín đồ Công giáo thực hiện đời sống đạo thuần túy theo giáo lý, giáo luật của Công giáo nên không có các hoạt động mê tín dị đoan. Tuy nhiên, trên địa bàn một số địa phương có đông đồng bào theo đạo Công giáo vẫn còn những vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, chung quanh các vấn đề xin, đòi lại đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự; chia tách địa phận sinh hoạt chưa phù hợp... Từ những vấn đề này, một số chức sắc thể hiện sự thiếu thiện chí trong hợp tác với chính quyền địa phương; tổ chức các sinh hoạt, hoạt động không đúng quy định...gây nên tình trạng khó khăn, phức tạp trong công tác quản lý tại địa bàn.
Ông Lê Minh Khánh, Vụ trưởng Vụ Công giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, để làm tốt công tác đối với tôn giáo, cần phải có các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực: củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống cho nhân dân, nâng cao dân trí, đào tạo ngành nghề và tạo việc làm cho thanh niên người DTTS theo đạo nói chung và người Mông theo Công giáo nói riêng.
Công giáo người Mông ở Lào Cai phấn khởi tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước cũng như của địa phương |
Ngoài ra, cần xác định rõ công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Chính quyền cơ sở cần làm tốt công tác vận động quần chúng tín đồ, chức sắc Công giáo tham gia tích cực vào các phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào.
Bên cạnh đó phải đề cao cảnh giác, luôn đấu tranh với những luận điệu phản động của các thế lực thù địch lợi dụng những kẽ hở trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo nhằm gây mâu thuẫn nội bộ, chia rẽ tình đoàn kết giữa những người theo tín ngưỡng tôn giáo khác nhau; đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như những quy định của giáo hội.
“Người Mông theo Công giáo ở Lào Cai luôn có ý thức vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và phát triển lành mạnh, theo phương châm “Kính Chúa, yêu nước”, gìn giữ cả hai vấn đề thiêng liêng là Tổ quốc và Công giáo. Đấy cũng chính là sự hội nhập của Công giáo vào văn hóa dân tộc, là sự “nhập thế” của Công giáo vào đời sống tâm hồn người có đạo trong thời kỳ mới”, ông Khánh nói.
Kim Yến
Bài 2: Cơ hội phát triển du lịch