Kết nối tiêu thụ nông sản
Cây dứa được triển khai trồng chủ yếu 3 xã Na Sang, Mường Mươn và Sa Lông. Để phát triển thương hiệu dứa Mường Chà tới nhiều địa phương trên cả nước và giúp bà con yên tâm sản xuất, huyện Mường Chà đã thành lập 2 HTX để thu mua dứa cho người dân, đảm bảo giá bán dứa ổn định. Đó là HTX Na Sang và HTX Sa Lông, trong đó mỗi ngày HTX Na Sang mua vào khoảng 40 -50 tấn dứa.
Ngoài việc thu mua dứa, HTX cũng cung cấp phân bón và hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây dứa theo đúng quy trình, giúp cây dứa ra quả to, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGAP.
So với ngô, lúa, đậu tương…, dứa là cây trồng đem lại thu nhập cao hơn 4-5 lần, lại dễ trồng, dễ chăm sóc. Dứa Mường Chà không chỉ là loại quả ngon, được nhiều người chọn mua mà hơn thế, nhờ trồng dứa, nhiều hộ đã vượt qua đói nghèo.
Từ khi HTX Na Sang đi vào hoạt động, người dân huyện Mường Chà rất yên tâm vì đã có đầu ra tiêu thụ ổn định. |
Anh Giàng A Chía, dân tộc Mông, ở bản Na Sang cho biết, dứa thực sự đã giúp gia đình anh thoát nghèo. Trước đây, 6 miệng ăn trong nhà chỉ trông chờ vào hơn 1ha đất trồng ngô, lúa nương nên năm nào cũng phải chờ Nhà nước hỗ trợ. Nhưng 5 năm phát triển cây dứa thì 3 năm nay, gia đình anh đã thoát nghèo, thu nhập từ trồng dứa khoảng 100 triệu đồng/vụ.
Theo người dân Mường Chà, dứa cho thu nhập ổn định và có thể trồng gối vụ, thu hoạch quanh năm, vì thế không dại gì lại dùng các loại thuốc hóa học không được cho phép bỏ vào chính “nồi cơm” của mình.
Thực hiện Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Ðề án “Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc”, từ tháng 3/2017, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên) đã triển khai mô hình trồng dứa theo chuỗi cung ứng dứa an toàn.
Thực hiện mô hình là HTX Na Sang với 54 hộ dân tham gia, quy mô 61 ha. Sau khi mô hình được triển khai, sản phẩm dứa của HTX Na Sang đã được cấp chứng nhận nông sản an toàn. Cuối tháng 11/2017, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã cấp giấy chứng nhận sản phẩm dứa Mường Chà đạt chất lượng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho HTX Na Sang.
Người dân yên tâm sản xuất
Người trồng dứa khi tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ kỹ thuật bón lót, làm cỏ từ khi trồng đến khi thu hoạch. Bên cạnh đó, Chi cục đã hỗ trợ 5.000 tem chứng nhận sản phẩm an toàn và túi đóng gói sản phẩm cho HTX. Sau khi mô hình hoàn thành, quả dứa Mường Chà đã được đưa vào bày bán tại Siêu thị Tâm Ðỏ (TP Ðiện Biên Phủ); đưa vào gian hàng trưng bày sản phẩm rau - củ - quả an toàn của Công ty Thực phẩm an toàn Safe Green (TP Ðiện Biên Phủ) và một số đơn vị bao tiêu sản phẩm an toàn tại Thủ đô Hà Nội.
Theo người dân, trước khi tham gia mô hình, dứa Mường Chà rất khó tiêu thụ, giá thấp do chưa có thương hiệu. Đến mùa thu hoạch dứa, người dân phải mang bán lẻ nhiều nơi, khá vất vả để tiêu thụ gần 200 ha dứa, tập trung tại 2 xã Mường Mươn và Na Sang. Quãng đường di chuyển hàng trăm km, trong khi dứa không có chất bảo quản nên nhanh hỏng, khiến người trồng dứa đạt thu nhập thấp. Sau khi HTX triển khai mô hình, người trồng dứa đã hiểu sâu hơn về kỹ thuật sản xuất, giảm chi phí, sản phẩm lại an toàn, có địa chỉ tiêu thụ, tăng thu nhập.
Thị trường tiêu thụ ổn định, thu nhập cao, được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật canh tác, người dân ở huyện Mường Chà rất yên tâm sản xuất dứa. |
Hiện nay, tại Mường Chà có không ít hộ dân thoát nghèo và giàu lên nhờ cây dứa. Tùy vào diện tích mà thu nhập từ cây dứa là khác nhau nhưng theo tính toán của địa phương, với năng suất 20 tấn/ha, trung bình 1ha mang về cho người dân 50-60 triệu đồng.
Ông Thào A Sấu, dân tộc Thái, ở bản Co Đứa, xã Na Sang, trồng gần 5 ha dứa trà đầu cho biết, trước đây dứa bán không ai mua, để quả trên cây thì hỏng cây, không biết làm cách nào. Nhờ có HTX đứng ra thu mua, bà con không chỉ bán được dứa mà còn có lãi.
Hiện nay, 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green và Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Ðiện Biên cam kết bao tiêu sản phẩm dứa của HTX Na Sang. Tham gia vào liên kết chuỗi, nông dân và doanh nghiệp cùng bắt tay cùng phát triển sản xuất, nâng cao giá trị cây dứa và thương hiệu dứa Mường Chà.
Thành công nhất của việc hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi là sản phẩm dứa của HTX Na Sang được cấp chứng nhận nông sản an toàn; bao bì, đóng gói đẹp mắt và dán tem, mã truy xuất nguồn gốc được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, sản phẩm tiêu thụ tốt hơn. Nhờ đó, lợi nhuận của các thành viên cao hơn, không những nâng cao đời sống của người lao động mà còn làm giàu trên quê hương mình.
Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc HTX dứa Na Sang cho biết, HTX có trên 160ha dứa, trong đó có 63 ha dứa được trồng theo chuẩn VietGAP. Không chỉ bán cho thương lái của các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La và TP Hà Nội, sản phẩm dứa của HTX cũng tìm được đầu ra ổn định bằng việc ký được hợp đồng tiêu thụ từ 2.000 - 2.500 tấn dứa/năm với Công ty TNHH Nông sản xuất khẩu Tấn Phát tại tỉnh Nam Định đến năm 2024. Như vậy, trong vòng 4 năm tới, người trồng dứa Mường Chà cơ bản không còn lo lắng về thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Để giữ gìn uy tín thương hiệu, HTX Na Sang đang chú trọng nâng cao chất lượng, hạn chế mở rộng diện tích gây dư cung. Khi cần mở rộng diện tích, HTX, doanh nghiệp và địa phương sẽ có kế hoạch cụ thể nhằm bảo đảm nguồn lợi cho người dân.
Có thể nói, sự vào cuộc của các HTX đã góp phần giúp người dân đi vào sản xuất theo chuỗi giá trị, từng bước giảm chi phí và rộng đầu ra, đưa cây dứa thực sự là cây giảm nghèo bền vững và hiệu quả tại Mường Chà.
Phạm Duy
Bài cuối: Phát triển HTX theo hướng bền vững