PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA DÂN TỘC TRÊN VÙNG 'SƠN CƯỚC' LỤC NGẠN
Để hiện thực hóa mục tiêu, huyện đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng huyện Lục Ngạn giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030. Bằng các giải pháp, nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, huyện hướng đến phát triển du lịch cộng đồng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn với không gian du lịch chính là khu vực hồ Cấm Sơn và vùng cây ăn quả.
Những giá trị tạo sức hút
Lục Ngạn là huyện miền núi, có địa hình đa dạng đan xen giữa đồi núi thấp và núi cao, nhiều hồ đập. Những điều kiện tuyệt vời về khí hậu, thổ nhưỡng đã giúp Lục Ngạn trở thành một vùng cây ăn quả trù phú với nhiều sản vật trái cây nức tiếng trong và ngoài nước.
Lục Ngạn có nhiều giá trị văn hóa dân tộc để thu hút du lịch cộng đồng. |
Cùng với những “món quà” của thiên nhiên, huyện Lục Ngạn cũng là địa phương giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, là nơi sinh sống đan xen của nhiều đồng bào dân tộc như: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan, Dao, Hoa...
Huyện cũng đang có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được công nhận như: chùa Am Vãi, đền Hả, hát sloong hao, sli, hát then, hát lượn. Đặc biệt, “đặc sản” dân ca Sán Chí xã Kiên Lao và dân ca Cao Lan xã Đèo Gia đang là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nhằm khai thác những lợi thế trên, huyện đầu tư phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với trải nghiệm vùng cây ăn quả. Năm 2020, toàn huyện thu hút hơn 35 nghìn lượt du khách tham quan mô hình du lịch cộng đồng ở các xã: Phong Vân, Tân Sơn, Tân Mộc, Quý Sơn…
Sở hữu vườn cây ăn quả GlobalGAP phục vụ khách tham quan, anh Lường Văn Tài, người Nùng, thôn Na Hem, xã Hộ Đáp, chia sẻ trong khoảng 3 năm trở lại đây, lượng khách du lịch từ Hà Nội đến Lục Ngạn ngày càng đông.
Khách đến thăm vườn cây của gia đình anh Tài không chỉ được trải nghiệm thu hái, chế biến, thưởng thức trái cây, mà còn được thiết đãi gà đồi, cá suối, tổng chi phí cả tour chỉ dao động 250 – 500 nghìn đồng.
“Hết ngày, du khách có thể về TP. Bắc Giang hay Hà Nội. Nếu ở lại thì nghỉ đêm ở thị trấn Chũ, tận hưởng không khí thị trấn cửa rừng. Hôm sau, du khách có thể tản bộ thăm đền Khánh Vân, hoặc thuê xe lên thăm chùa Am Vãi”, anh Lường Văn Tài cho hay.
Thêm nguồn lực thúc đẩy
Rõ ràng, những giá trị tâm linh, tín ngưỡng đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, cùng những di sản thiên nhiên kỳ thú trên địa bàn huyện Lục Ngạn đang ngày càng tạo nên sức hút lớn đối với du khách thập phương.
Huyện sẽ cần thêm nhiều nguồn lực để phát huy tiềm năng du lịch. |
Ông Lâm Minh Sặp, dân tộc Sán Chí, xã Kiên Lao, chia sẻ năm 2011, câu lạc bộ dân ca Sán Chí xã Kiên Lao được thành lập, hiện có 70 hội viên, sáng tác mới trên 300 bài hát, mở nhiều lớp dạy hát cho người trẻ.
Hoạt động sôi nổi của câu lạc bộ đã thu hút nhiều đoàn nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước, nhiều đoàn khách du lịch cũng ghé qua để nghe, học hát, trải nghiệm loại hình văn hóa rất riêng của người Sán Chí.
Với những tiềm năng đang có, trong đề án Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030, huyện Lục Ngạn đặt mục tiêu mỗi năm thu hút từ 60.000 đến 80.000 lượt du khách.
Hiệu quả của mô hình du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, sẽ là một nhân tố giúp người dân trên địa bàn huyện giảm nghèo, phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của các dân tộc, đồng thời góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường sinh thái…
Được biết, để hiện thực hóa mục tiêu trên, huyện sẽ đẩy mạnh vận động người dân, các HTX du lịch khu hồ Cấm Sơn xây dựng cơ sở vật chất đón tiếp khách.
Huyện cũng sẽ xúc tiến đầu tư, công tác xã hội hóa, thành lập các HTX dịch vụ du lịch để tăng cường nguồn lực, đa dạng hóa các dịch vụ, các sản phẩm du lịch và tham gia vận hành có hiệu quả công tác du lịch tại địa bàn.
Bên cạnh đó, huyện sẽ chủ động lồng ghép các Chương trình Mục tiêu quốc gia, dự án phát triển kinh tế - xã hội, để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho phát triển du lịch. Hỗ trợ tu sửa nâng cấp nhà sàn văn hóa, nhà trưng bày sản phẩm. Hỗ trợ một phần kinh phí cho các HTX, các hộ dân làm du lịch cộng đồng…
Việc các nguồn lực hỗ trợ đi đúng hướng, các HTX du lịch phát huy vai trò, sẽ là cơ sở để mô hình du lịch cộng đồng, tâm linh kết hợp sinh thái trên địa bàn huyện Lục Ngạn có bước khởi sắc, mang lại giá trị kinh tế bền vững trong tương lai.
Hưng Nguyên
>> Bài 3: Điểm sáng từ khu vực kinh tế HTX