HTX GÓP PHẦN XÓA NGHÈO TRONG VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ
Thu hút lao động, nhất là lao động có trình độ cao, từ đó góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất truyền thống của người dân địa phương, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh là những giải pháp quan trọng mà HTX Suối Giàng, xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn) đã và đang triển khai.
"Tôi đã đủ tiền tiêu rồi!"
Gần 10 giờ trưa, bà Sùng Thị Mai, dân tộc Mông đeo trên lưng gùi chè búp còn tươi rói đến nhà sơ chế nhập hàng cho HTX Suối Giàng, ở thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng.
Hơn 15kg chè tươi hái trong 5 tiếng buổi sáng của bà Mai được HTX Suối Giàng mua với số tiền gần 350 nghìn đồng. Cẩn thận đếm từng tờ tiền, bà Mai phấn khởi cho biết: "Trước đây, mỗi ngày chúng tôi chỉ bán được ít tiền thôi, ăn cũng không đủ vì chè bán không được giá, ít người mua".
Bà Sùng Thị Mai cho biết: "Nhờ có HTX, tôi đã đủ tiền tiêu rồi!"
“Trước đây, chưa có HTX thì tôi hay đi bán rong ở dọc đường, mang vào chợ, khi thì được giá, khi thì mất giá nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, không đủ tiền để đong gạo, rau và thức ăn. Từ năm 2007, vào vụ thu hoạch, mỗi tuần tôi đi hái chè 3 - 4 lần, về bán cho HTX. Tôi chỉ thích bán chè cho HTX thôi vì họ thanh toán tiền nhanh cũng như giá ổn định. Bây giờ, chúng tôi cũng không phải lo lắng vì từ khi bán chè cho HTX, tôi có đủ tiền để tiêu rồi!”, bà Mai nói.
Thành lập vào tháng 3/2007 với 7 thành viên, đến nay HTX Suối Giàng có 20 thành viên, trong đó có 16 người là dân tộc Mông. HTX ngày càng tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người cao tuổi, người dân tại chỗ.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, phương pháp chế biến và mở rộng thị trường, HTX thu hút lao động có trình độ, được đào tạo bài bản và là người địa phương về làm việc.
Điển hình như chị Giàng Thị Hoa, sinh năm 1995 ở xã Suối Giàng. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, Hoa được mời về làm việc trong HTX.
Bà Lâm Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX Suối Giàng (áo vàng) giới thiệu sản phẩm chè của HTX với đại diện Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Yên Bái và tổ chức ILO. |
Lý giải việc vì sao học sư phạm mà không xin đi dạy học, Hoa cho biết, bản thân sinh ra và lớn lên trong vùng chè, tuổi thơ quen với thói quen sáng sớm cùng mẹ lên núi hái chè nên rất yêu cây chè. Do vậy, dù đi học nhưng mỗi khi có dịp nghỉ về quê, Hoa lại cùng với người thân lên núi hái chè.
Hoa nhận thấy quê hương có tiềm năng, thế mạnh về cây chè nhưng người dân như bố mẹ mình còn sản xuất và tiêu thụ theo hướng truyền thống, mạnh ai nấy làm, chất lượng hạn chế, giá thấp. Do vậy, khát vọng muốn góp phần làm thay đổi quê hương thôi thúc Hoa trở về làm việc trong HTX tại xã sau khi tốt nghiệp đại học.
“Em mong muốn mình góp một phần nhỏ bé sức lực, trí tuệ để cùng với bà con người địa phương thay đổi tập quán canh tác, thu hái, nâng cao chất lượng sản phẩm chè Suối Giàng, từ đó nâng cao hiệu quả về kinh tế”, Hoa nói.
Chị Giàng Thị Hoa mong muốn góp một phần sức lực để tăng chất lượng sản phẩm chè Suối Giàng, nâng cao đời sống cho người dân.
Bà Lâm Thị Kim Thoa, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Suối Giàng cho biết, HTX ra đời và đi vào hoạt động với mục tiêu sản xuất các sản phẩm chè chất lượng cao, xây dựng thương hiệu chè Suối Giàng và giúp bà con dân tộc Mông trồng chè, gìn giữ cây chè quý.
“Vấn đề quan trọng không chỉ là thu nhập được bao nhiêu tiền, mà là phương pháp để giúp bà con biết làm chè sạch, xây dựng thương hiệu từ sản phẩm chè”, bà Thoa nói.
Với quyết tâm, nỗ lực của HTX cùng với ý thức của đồng bào dân tộc giữ vững vùng nguyên liệu sạch, năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm chè Suối Giàng.
Cùng với đó là việc xây dựng một hệ thống văn bản quản lý, quy định sử dụng và kiểm soát chất lượng sản phẩm chè mang nhãn hiệu Suối Giàng - Yên Bái từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản sản phẩm…
Đây là lợi thế rất lớn để HTX cùng với đồng bào dân tộc nơi đây phát triển nhiều sản phẩm từ cây chè cổ thụ vùng cao.
HTX của đồng bào
Điều đặc biệt hơn, trong những năm qua, HTX Suối Giàng được bà con tin yêu gọi là "HTX đồng bào”, bởi các thành viên của HTX chủ yếu là đồng bào các dân tộc. HTX có vai trò tập hợp đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Suối Giàng tham gia mô hình kinh tế hợp tác thông qua việc thành lập và phát triển HTX để cùng chia sẻ lợi ích kinh tế.
Bà Lâm Thị Kim Thoa chia sẻ thêm, HTX đã làm tốt các khâu từ vận động bà con gìn giữ và thu hái chè đúng tiêu chuẩn, chất lượng, đến thu mua nguyên liệu đúng giá. Đồng thời, chế biến sản phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, đồng thời chủ động liên kết, mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh để đảm bảo đầu ra ổn định, tăng thu nhập hàng năm cho thành viên và người dân. HTX cũng tuyên truyền cho thành viên và đồng bào các dân tộc, nhất là dân tộc Mông bảo vệ được hàng trăm ha chè cổ thụ.
Bà Lâm Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX Suối Giàng cho biết, quan trọng nhất là thay đổi tư duy sản xuất cho người dân địa phương.
“Người Mông nơi đây thu hái được hơn 500 tấn búp tươi, giá trị hơn 10 tỷ đồng/năm, nhiều hộ làm được nhà mới, mua ti vi, xe máy, đời sống ngày càng nâng lên”, chị Thoa cho biết thêm.
HTX Suối Giàng thu mua chè tươi của người dân đến bán. |
Với việc tham gia vào HTX, người dân đã thoát ra khỏi hình thức sản xuất nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc chuyển sang hình thức sản xuất liên kết, hợp tác, cùng nhau phân công lao động, sản xuất thương mại với quy mô lớn theo chuỗi giá trị.
Nhờ đó, năm 2020, doanh thu của HTX đạt 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 200 triệu đồng, thu nhập bình quân người lao động trong HTX đạt 5,7- 6 triệu đồng/tháng.
Đến nay, HTX Suối Giàng đã sản xuất được 6 loại sản phẩm mang tên "Tuyết Sơn Trà” có chất lượng tốt, được đóng gói với các mẫu mã đẹp, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Giá bán chè tùy thuộc theo loại, dao động từ 250 - 650 nghìn đồng/kg và cao nhất là hơn 3 triệu đồng/kg. Năm 2019, sản phẩm chè Tuyết Sơn Trà của HTX Suối Giàng là sản phẩm đầu tiên của huyện Văn Chấn được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.
Bài 2: Chè Suối Giàng - từ niềm tin đến khát vọng vươn xa
Phạm Duy