Từ ngày 1/1/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ 10% tiền đóng theo mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn. Mặc dù được hỗ trợ, số NLĐ tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn khiêm tốn.
NLĐ phi chính thức không tham gia
Theo ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, tính đến hết quý III/2018, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,97 triệu người; số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ có 241.000 người; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 11,93 triệu người; tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là 81,76 triệu người, tỷ lệ bao phủ là 87,25% dân số.
Tuy nhiên, so với con số trên 35 triệu NLĐ ở khu vực phi chính thức (lao động tự do), số người tham gia BHXH tự nguyện là quá thấp. Đáng lưu ý, trong số 241.000 người tham gia BHXH tự nguyện, có tới hơn 60% đã tham gia BHXH bắt buộc nên tiếp tục đóng để đủ thời gian hưởng lương hưu. Điều đó có nghĩa có đến hơn 90% lao động phi chính thức không tham gia BHXH tự nguyện.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến NLĐ chưa mặn mà với BHXH tự nguyện là vì công việc tự do, việc làm và thu nhập bấp bênh, không có tích luỹ ổn định để tham gia bảo hiểm. Ngoài ra, bản thân những NLĐ ở khu vực phi chính thức rất hạn chế về kiến thức mà thủ tục đóng - hưởng lại rất phức tạp, nhiều giấy tờ nên họ ngại.
Cùng với đó, đa phần NLĐ là khu vực nông thôn do thiếu thông tin nên cho rằng chính sách không phù hợp với nhu cầu và thu nhập. Dẫn tới, ở nhiều vùng nông thôn, dù đi làm ăn xa nhưng nông dân không bán ruộng mà xem những mảnh ruộng bỏ hoang là tài sản bảo hiểm khi về già.
Trước tình trạng trên, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện để giúp người dân hiểu biết đầy đủ về những quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế và chưa hiệu quả. Vẫn còn trên 70% số lao động được hỏi trả lời là chưa biết tới chính sách BHXH.
Bên cạnh đó, cần đổi mới cơ chế tổ chức thực hiện, chuyển đổi tác phong phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý BHXH, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ bảo đảm việc giải quyết các chế độ BHXH đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Hơn 90% lao động phi chính thức không tham gia BHXH tự nguyện |
BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt
Đại diện BHXH cũng cho rằng điều quan trọng là chúng ta phải làm chuyển biến nhận thức của người dân về tính ưu Việt trong chính sách về an sinh xã hội và phải làm sao để người dân thấy được tham gia vào hệ thống an sinh xã hội không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của người dân.
Do vậy, cần sửa pháp luật về BHXH theo hướng linh hoạt, tạo cơ hội cho mọi người dân khi hết tuổi lao động đều được hưởng lương hưu, như giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH được hưởng lương hưu xuống từ đủ 10 năm đến dưới 20 năm; sửa đổi, bổ sung chế độ BHXH tự nguyện như tăng mức hỗ trợ của Nhà nước trong trường hợp một hộ có nhiều người tham gia, gắn kết với điều kiện hưởng ưu đãi của Nhà nước đối với các chế độ khác.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 125/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/ TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần VII Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH.
Theo đó, giai đoạn đến năm 2021 phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Giai đoạn đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH, BHTN và pháp luật có liên quan để thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách BHXH.
Về thí điểm thực hiện gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt, Nghị quyết 125 yêu cầu, cơ quan chức năng ban hành chính sách khi đủ điều kiện.
Thy Lê