Theo báo cáo của BHXH Tp.Hải Phòng, đến 30/9/2018, toàn thành phố đã chi quỹ BHYT chiếm 86% so với tổng dự toán được giao năm 2018. “Nếu so với cũng kỳ mọi năm, 9 tháng đầu năm 2018 đã chi vượt quá 11%”, bà Nguyễn Thị Lộc - Phó Giám đốc phụ trách BHXH Tp.Hải Phòng, cho biết.
Những con số báo động
Theo báo cáo của BHXH Hải Phòng, đến hết tháng 9/2018, thậm chí có những cơ sở KCB vượt quỹ 2 - 36% dự toán cả năm 2018.
Theo tìm hiểu, có nhiều nguyên nhân làm tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT. Ví như: Giá thuốc sau khi đấu thầu, năm 2018 cao hơn mọi năm. Hoặc giá các vật tư tiêu hao có giá cao hơn. Thậm chí, do bệnh nhân chuyển tuyến, chuyển hạng lên bệnh viện tuyến trên, dẫn đến tăng chi phí, đẩy số tiền thanh toán BHYT cao hơn mọi năm.
Để tiết kiệm chi phí BHYT, ngày 21/8/2018, Bộ Y tế ra Chỉ thị số 847/CT-BYT, cũng nêu rõ: “... đối với người mắc bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính trong trường hợp chỉ đến khám để cấp thuốc hoặc cho đơn thuốc không phải thực hiện xét nghiệm cần hướng dẫn và hẹn khám vào buổi chiều để giảm áp lực khám vào buổi sáng tại các bệnh viện”.
Bình luận về nội dung này, bà Lộc cho rằng việc lãng phí xét nghiệm còn thể hiện, một số cơ sở KCB, điều trị một số bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm, nhưng lần nào bệnh nhân đến khám bệnh chỉ để lấy thuốc hoặc đơn thuốc vẫn được cơ sở chỉ định làm xét nghiệm, dẫn đến lãng phí kết quả xét nghiệm, tăng chi BHYT và tăng áp lực cho bệnh viện.
Chỉ thị 847 cũng nêu thêm: “Các bệnh viện tuyến trên phải tập trung KCB theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, các bệnh mà tuyến dưới không thực hiện được; phải tuyên truyền vận động tư vấn để các trường hợp đến khám kiểm tra sức khỏe nhưng không cần điều trị hoặc tái khám ở bệnh viện tuyến trên thì phải giới thiệu tư vấn để người dân đến khám điều trị ở tại các cơ sở y tế tuyến dưới, nhất là y tế cơ sở, để vừa bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT, vừa giảm tải cho cho bệnh viện tuyến trên”.
![]() |
Quá tải bệnh nhân đến KCB BHYT tại Bệnh viện Hải An |
Vì quyền lợi người bệnh
Theo bà Lộc: Điều đó cho thấy, việc chuyển tuyến lên bệnh viện tuyến trên cũng là nguyên nhân tăng chi BHYT. Do vậy, các bệnh viện hạn chế việc chuyển tuyến cho bệnh nhân nếu căn bệnh đó, bệnh viện mình xử lý được.
Ngày 5/10, BHXH Hải Phòng đã kết thúc việc rà soát hậu kiểm chi phí KCB của một số cơ sở KCB trên địa bàn Hải Phòng trong năm 2017. Theo đó, BHXH Hải Phòng yêu cầu xuất toán trên 49 tỷ đồng, trong đó, xét nghiệm là trên 2,6 tỷ đồng; chuẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng trên 3,7 tỷ đồng; thuốc dịch trên 5,1 tỷ đồng; tiền khám trên 4,2 tỷ đồng. Lớn nhất là tiền giường, với trên 16,5 tỷ đồng...
Trả lời câu hỏi của PV Thời Báo Kinh doanh: Nhiều ý kiến cho rằng tại sao BHXH không kiểm tra từng hồ sơ trước khi cho thanh quyết toán, để đến khi thanh quyết toán xong, lại hậu kiểm, rồi lại xuất toán, bà Lộc cho biết việc khai báo để thanh, quyết toán là việc của cơ sở KCB. BHXH chỉ kiểm tra đột xuất việc điều trị ở các cơ sở KCB, hỗ trợ bệnh viện trong việc giải thích với bệnh nhân, thẩm định, rà soát, hậu kiểm xác suất 30% hồ sơ đã thanh quyết toán. Nếu thấy sai mới xuất toán.
Bà Lộc cũng cho rằng hiện nay, việc tăng cường giám định qua hệ thống thông tin điện tử đã phát hiện ngày càng nhiều các trường hợp có dấu hiệu lạm dụng quỹ.
Việc khai báo qua thông tin điện tử giúp cho cơ quan BHXH quản lý quỹ KCB BHYT tốt hơn, theo dõi được tình hình sử dụng quỹ tại từng địa phương, từng cơ sở KCB; qua đó kịp thời phát hiện các sai sót, chi phí bất thường để có hướng xử lý.
Hiện nay, quỹ BHYT đang có nguy cơ vượt mức cao, thì đây là công cụ hữu hiệu để kiểm soát nguồn quỹ này, bảo đảm sự cân đối.
Vũ Trang