Tính đến hết năm 2018, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 21.070 hộ, chiếm tỷ lệ 13,51% trên tổng số hộ toàn tỉnh (giảm 3,06% so với năm 2017), trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 30,14% (giảm 4,43% so với năm 2017), tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 38,57% (giảm 5,88% so với năm 2017).
Chính sách có trọng tâm
Kết quả này là nhờ những năm qua, tỉnh Đăk Nông đã triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo, có biện pháp tăng cường nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo mức vay tối đa quy định; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung vào phát triển các HTX.
Người dân Đăk Nông được vay vốn đầu tư sản xuất để thoát nghèo |
Hiện, toàn tỉnh có 140 HTX trong đó 129 HTX đang hoạt động với 9.250 thành viên, giải quyết việc làm cho khoảng 1.427 lao động trong đó có 756 lao động thường xuyên và 671 lao động thời vụ. Doanh thu trung bình của các HTX ước đạt 925 triệu đồng/HTX/năm, lợi nhuận trung bình 200 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân của 1 thành viên HTX khoảng 54 triệu đồng/năm.
Để gia tăng ngành nghề, dịch vụ, nhiều HTX đã chủ động liên doanh, liên kết với nhau. Nhờ vậy, nhiều HTX đã có mức doanh thu hàng tỷ đồng, đời sống của cán bộ, thành viên được cải thiện rõ rệt… Nhiều mô hình HTX kiểu mới hoạt động có hiệu quả, tạo hướng đi mới cho các thành viên và người lao động. Tiêu biểu như: HTX Đồng Tiến chăn nuôi lợn nái công nghệ cao, cung cấp giống cho thị trường miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam; HTX Nông Lâm nghiệp Nam Hà chuyên chế biến sản phẩm tinh chế như: tinh dầu gấc, tinh dầu xả, các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp từ gấc...; Quỹ cao su thị xã Gia Nghĩa quy mô hoạt động gần 300 tỷ đồng, hỗ trợ kịp thời nhu cầu vốn cho các hộ sản xuất kinh doanh...
Ngoài việc chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất với các mô hình HTX, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, tỉnh Đăk Nông đặc biệt quan tâm hỗ trợ đối với hộ gia đình thuộc diện nghèo, diện đặc biệt khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ dân cư trú tại các khu vực biên giới, vùng sâu vùng xa.
Tiêu biểu như chính sách hỗ trợ về nhà ở với gần 700 căn nhà được xây dựng cho hộ nghèo trong 3 năm 2016-2018. Chính sách tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo được triển khai với quy mô ngày càng mở rộng, giai đoạn từ 2015 đến nay, trung bình mỗi năm tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội đều tăng khoảng 50 tỷ đồng. Tổng dư nợ của chính sách tín dụng cho người nghèo của Ngân hàng này hiện nay là hơn 700 tỷ đồng.
Động lực mạnh mẽ
Bên cạnh đó, Đăk Nông cũng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất đối với hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vay vốn ở các ngân hàng thương mại. Theo đó, tất cả các hộ thuộc diện này sẽ được hỗ trợ 40% lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại với mục đích sử dụng vốn phục vụ phát triển nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng…) và các dịch vụ nông nghiệp (chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre đan…). Chương trình được triển khai từ tháng 4/2016, đến nay toàn tỉnh có hơn 2.800 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ lãi suất vốn vay với tổng số tiền gần 8,5 tỷ đồng.
Tại hội nghị sơ kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được UBND tỉnh Đăk Nông tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng việc thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo đã tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, tạo động lực mạnh mẽ để vùng sâu vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số phát triển. Người dân được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, phát triển nhiều mô hình sản xuất, kinh tế hiệu quả, tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để công tác giảm nghèo trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn nữa, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cho rằng công tác giảm nghèo cần được thực hiện tập trung, trọng tâm, trọng điểm hơn. Theo đó, các ngành chức năng liên quan, chính quyền địa phương cần tập trung hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo phát triển các mô hình kinh tế, sản xuất hiệu quả để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Người nghèo cần được tạo điều kiện thuận lợi để học nghề, tự tạo công ăn việc làm, phát huy các thế mạnh của từng địa phương, cộng đồng. Chỉ khi làm được như vậy, các chính sách đầu tư, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, cho vay vốn, các chương trình ưu đãi về giáo dục, y tế cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số mới phát huy hiệu quả cao và bền vững.
Thu Huyền