Nửa đầu năm 2019, tỉnh Đồng Nai còn khoảng 0,32% số hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh; giảm 0,48% hộ cận nghèo tương ứng giảm 2.298 hộ. Mục tiêu của Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh đề ra là giảm 0,3% hộ nghèo và hộ cận nghèo năm nay và phấn đấu đến cuối năm 2020 cơ bản xóa hết hộ nghèo theo tiêu chí tỉnh Đồng Nai.
Chuyển hướng đúng đắn
Đầu năm 2018, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) có tổng số 19 hộ nghèo A theo tiêu chí của tỉnh Đồng Nai. Nghị quyết của Đảng bộ xã đề ra trong năm 2018 phải giảm được 25-30% tổng số hộ nghèo. Bằng các mô hình, dự án hỗ trợ người nghèo được thực hiện hiệu quả tại địa phương, đến cuối năm, toàn xã đã giảm được 8 hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, đạt tỷ lệ 42%, vượt so mục tiêu nghị quyết đề ra đầu năm.
Anh Hà Thắng, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Bình Minh cho biết: Với diện tích 50 ha hiện nay, HTX có 14 thành viên góp vốn trồng, tiêu thụ sản phẩm về quýt theo mô hình hữu cơ VietGAP hoàn toàn sạch. Sản phẩm khi thu hoạch, người dân có thể dùng ngay tại vườn mà không lo độc hại, thuốc trừ sâu. Đến nay đã có 30/50 ha cây quýt cho thu hoạch với năng suất bình quân 60 tấn/ha, giá bán trung bình 20 ngàn đồng/kg. Ngoài 14 thành viên góp vốn, HTX còn giải quyết việc làm cho 7-10 lao động và tăng khoảng 20 lao động khi vào mùa cao điểm.
Mô hình trồng quýt của HTX Bình Minh giúp giải quyết việc làm cho người lao động |
Với chủ trương đúng về phát triển và mở rộng các loại hình kinh tế, HTX đã được chính quyền xã, huyện và tỉnh tạo mọi điều kiện để sản xuất kinh doanh, làm ăn, làm giàu. Hiện nay, ngoài tiêu thụ các thị trường xung quanh như Biên Hòa, Tp. Hồ Chí Minh, HTX đang liên kết với một số siêu thị để mở rộng nguồn tiêu thụ sản phẩm sạch.
Bí thư Đảng ủy xã Phan Thanh Chương cho biết nhờ chuyển hướng đúng đắn trong sản xuất nông nghiệp nên ngoài HTX chuyên về quýt của Bình Minh, hiện Phú Lý đang có 70 HTX chuyên xoài trên tổng diện tích 1.250 ha cho thu nhập bình quân từ 580 - 700 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động địa phương đã góp phần tích cực đẩy lùi đói nghèo, xây dựng NTM và NTM nâng cao.
Nhiều dự án hỗ trợ
Phấn đấu giảm nghèo là cả một câu chuyện dài mà Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể trong các xã, huyện của tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực vượt lên. Nhiều địa phương đã thực hiện các mô hình: “Tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ cá nhân”; “Đoàn thể hỗ trợ giúp đỡ đoàn viên, hội viên”, nhất là với những hội viên nghèo, khó khăn. Điều đáng lưu ý là trong nỗ lực giảm nghèo, các địa phương tập trung giảm dứt điểm, không để tái nghèo do chủ quan, nhất là vùng đồng bào dân tộc.
Tại ấp Lý Lịch 1 (xã Phú Lý), nơi có 100% đồng bào dân tộc Châu Ro sinh sống đã từ một ấp nghèo nhất của tỉnh nay bà con đã vươn lên có cuộc sống ổn định. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Nguyễn Đình Biên cho biết nếu như năm 2015 vẫn còn 27/161 hộ đồng bào khó khăn, diện nghèo thì cuối năm 2018, chỉ còn 2 hộ thuộc diện nghèo B, 100% trẻ em trong ấp đến tuổi đều được đến lớp, không còn trẻ em bỏ học, nhiều cháu còn có trình độ cao đẳng, đại học... đã quay trở về phục vụ địa phương. Chi bộ đảng viên người dân tộc hiện có 26 đảng viên, các đảng viên đều là tấm gương sáng trong việc động viên đồng bào thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội, giảm nghèo, xây dựng NTM.
Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, chia sẻ thêm Dự án khuyến nông hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề nông nghiệp cho hộ nghèo và chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh đã đạt kết quả. Toàn tỉnh đã tổ chức 320 lớp tập huấn, gần 3.000 điểm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân nghèo… Các hộ nghèo khi tham gia mô hình, dự án đều được tập huấn, nắm vững kiến thức và vận dụng thực tiễn sản xuất, góp phần thực hiện chỉ tiêu nâng mức thu nhập cho hộ nghèo, tỷ lệ thoát nghèo của các hộ tham gia dự án đến cuối 2018 đạt trên 87%...
Trong đó phải kể đến Dự án hỗ trợ nuôi bò cho nông dân nghèo tại Vĩnh Cửu đã mang lại cuộc sống mới, thay đổi nếp nghĩ, cách làm ăn, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Gia đình bà Phạm Thị Hồng, thị trấn Vĩnh An là một trong số 20 hộ nông dân được hỗ trợ bò từ dự án cho hay, từ nguồn vốn được hỗ trợ ban đầu là 10 triệu đồng, gia đình bà thêm vốn đối ứng để mua một con bò mẹ, đến nay bò đã sinh được bò con. Nhờ chăm chỉ tham gia các lớp tập huấn về cách làm chuồng trại chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng nên bò phát triển, sinh trưởng tốt. Ngoài ra, bà còn nhận chăm sóc thêm bò của các hộ lân cận để có thêm thu nhập lo cho mẹ già và các con ăn học.
Thời gian tới, tỉnh Đồng Nai sẽ lựa chọn các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, phù hợp với điều kiện hộ nghèo, hộ cận nghèo và từng địa phương để tiếp tục nhân rộng; tăng cường công tác truyền thông cũng như nâng cao năng lực giám sát, đánh giá thực hiện chương trình giảm nghèo ở từng địa phương.
Hoàng Lê