Theo báo cáo từ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến hết tháng 10/2021, toàn tỉnh hiện quản lý 6.363 đơn vị với 1.114.733 người, tăng 22.029 người (2%) so với cùng kỳ năm 2020, tăng 30.314 người (2,77%) so với tháng 12/2020.
Chống ngắt quãng tham gia BHXH
Cụ thể, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 220.596 người, đạt 97,7% so với kế hoạch được giao; số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 15.153 người, đạt 75% so với kế hoạch được giao; bảo hiểm thất nghiệp đạt 212.790 người, đạt 97,5% so với kế hoạch được giao; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 1.099.580 người, đạt 98,44% so với kế hoạch được giao.
Tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện đồng bộ giải pháp để duy trì và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. |
Bên cạnh công tác phát triển đối tượng, công tác thu cũng là một trong những nhiệm vụ được BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng. Theo đó, tổng số thu 10 tháng đầu năm đạt 4.313,1 tỷ (đạt 78,7% kế hoạch), tăng 284,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể: tổng số thu luỹ kế đến hết tháng 10/2021 đạt 4.313.058 triệu đồng, đạt 78,7% kế hoạch được giao.
Trong đó, số thu BHXH bắt buộc đạt 2.922.555 triệu đồng; số thu BHXH tự nguyện đạt 66.009 triệu đồng; số thu bảo hiểm thất nghiệp đạt 230.005 triệu đồng; số thu BHYT đạt 1.094.489 triệu đồng. Tổng số nợ đến hết tháng 10/2021 là 210,118 tỷ đồng, chiếm 3,65% so với kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao, giảm 0,24% so với cùng kỳ năm 2020…
Đặc biệt, trong bối cảnh chịu tác động bởi dịch COVID-19, nhiều hợp tác xã ở tỉnh Vĩnh Phúc đã được hỗ trợ vay vốn hỗ trợ để duy trì sản xuất cũng như đóng BHXH cho người lao động.
Theo số liệu báo cáo của cơ quan chức năng, đến hết tháng 10/2021, tổng mức ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã là 79,6 tỷ đồng, Quỹ đã giải ngân cho 109 hợp tác xã có dự án vay vốn với tổng dư nợ 82,6 tỷ đồng.
Các hợp tác xã được vay vốn hỗ trợ có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, mua sắm thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất. Nguồn vốn của Quỹ đã góp phần tạo thêm việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động, thu nhập trung bình từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Đã có một số hợp tác xã vay vốn thực hiện đóng BHXH, BHYT cho thành viên và người lao động như: Hợp tác xã Giao thông vận tải Hoàng Việt, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý; Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh gạo Long Trì (Tam Dương)...
Linh hoạt cách thức truyền thông
Trong thời gian qua, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố trên địa bàn tập trung thông tin, truyền thông với các nội dung như: Hướng dẫn cài đặt, sử dụng và tiện ích của ứng dụng VssID – BHXH số.
Đồng thời, tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên Trang Thông tin điện tử BHXH tỉnh; trang Zalo BHXH tỉnh; Fanpage BHXH tỉnh; trình chiếu màn hình lớn về video, clip, phát loa tuyên truyền tại bộ phận một cửa cơ quan BHXH; tổ chức in ấn và cấp phát tờ rơi tuyên truyền; treo băng rôn, khẩu hiệu; tổ chức các hội nghị và các nhóm nhỏ tuyên truyền; khuyến khích viên chức trong ngành sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) để tuyên truyền về BHXH, BHYT...
Ông Phùng Đắc Kiên, Giám đốc BHXH huyện Tam Dương, cho hay BHXH huyện Tam Dương tập trung tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tới cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn và đại diện hộ gia đình của các bản, tiểu khu.
Chỉ đạo cán bộ sâu sát với cơ sở để nắm bắt tình hình thu nhập trong dân cư, chú trọng địa bàn có tiềm năng, những đối tượng trong độ tuổi lao động, có nguồn thu nhập ổn định, như: Hộ kinh doanh, hộ có trang trại, gia trại, thành viên hợp tác xã; thân nhân công chức và cán bộ không chuyên trách ở cấp xã; vợ quân nhân chuyên nghiệp, sỹ quan…
Đặc biệt, xác định được tầm quan trọng của các chính sách hỗ trợ, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đã khẩn trương vào cuộc, tập trung toàn lực để giải quyết chính sách với tinh thần trách nhiệm cao với quyết tâm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất, sớm nhất và đến đúng đối tượng thụ hưởng với nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt.
Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - ông Trần Đình Liệu, đánh giá BHXH tỉnh Vĩnh Phúc cần linh hoạt thực hiện công tác thu, phát triển đối tượng trong tình hình mới. Đối với những vùng thuộc vùng 3, 4 thực hiện hội nghị livestream hoặc những cách làm tương tự để tăng trưởng số thu tại địa phương. Đặc biệt, cần phát huy công tác truyền thông trực tiếp thông qua truyền thông nhóm nhỏ tại các xã, thôn... Trước mắt, cần có giải pháp tập trung vào nhóm người lao động trở về địa phương, nhóm dừng tham gia BHYT theo Quyết định 861.
Cần phải nắm chắc số liệu, phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương để có giải pháp tổng thể tạo công ăn việc làm, qua đó gia tăng số tham gia BHXH bắt buộc hoặc vận động tiếp tục tham gia theo hình thức BHXH tự nguyện.
Về BHYT, ông Liệu yêu cầu BHXH tỉnh Vĩnh Phúc cần rà soát chi tiết ở từng nhóm, cố gắng tham mưu để UBND tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ tham gia BHYT, nhất là với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi nhóm đối tượng phải có giải pháp phù hợp và phải được triển khai từ sớm.
Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đề nghị BHXH tỉnh Vĩnh Phúc phải nhanh chóng thích ứng, linh hoạt, chủ động triển khai các giải pháp phù hợp hơn, phải bám sát tình hình thực tiễn ở cơ sở, từ đó cụ thể hóa các định hướng chỉ đạo của BHXH Việt Nam về đôn đốc thu, truyền thông, thanh tra, kiểm tra... để đạt hiệu quả cao nhất.
Thy Lê