Thống kê từ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Nông cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên toàn tỉnh Đắk Nông là 575.332 người, đạt 98,66% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 88,6%, thấp hơn 2,96% so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao trong năm 2021 (91,56%). Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN là hơn 520 tỷ đồng, đạt 46% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Khó khăn trong phát triển đối tượng vì COVID-19
Việc phát triển BHXH còn khoảng trống ở một số khu vực như lao động trong khu vực hợp tác xã, doanh nghiệp. Thống kê cho thấy chỉ có khoảng 41 trong số hơn 200 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thực hiện đóng BHXH cho người lao động. Các trường hợp đóng bảo hiểm chủ yếu là thành viên hội đồng quản trị, ban giám đốc, kế toán, ban kiểm soát hợp tác xã.
Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho người lao động. |
Nguyên nhân số lượng lao động tại các hợp tác xã ít tham gia đóng bảo hiểm là do các thành viên tham gia hợp tác xã chỉ dừng ở việc mua chung, bán chung và sử dụng dịch vụ của hợp tác xã. Đa số lao động tham gia ở các hợp tác xã chủ yếu mang tính thời vụ, nên việc đóng bảo hiểm gặp nhiều khó khăn.
Đồng thời, những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra cũng đang tác động nặng nề tới việc phát triển đối tượng tham gia BHXH. Ông Trần Ngọc Quân, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Nông, cho hay năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mặc dù tỉnh Đắk Nông không bị ảnh hưởng nặng nề như các tỉnh phía Nam nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm dừng hoạt động dẫn đến người lao động không có việc làm phải ngừng việc, nghỉ việc. Do đó, số người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc của tỉnh đã giảm không ít.
Bên cạnh đó, một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, như thành phố Gia Nghĩa, huyện Cư Jút, Đăk Rlấp và một số xã của huyện Đăk Song, Krông Nô. Vì vậy, công tác khai thác, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình gặp nhiều khó khăn hơn so với trước đây.
Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, kênh truyền thông hiệu quả nhất của Đắk Nông là các hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách trực tiếp với bà con. Việc "đến gần" bà con sẽ giúp vận động và giải thích cặn kẽ những thắc mắc cho người dân hiểu và tự nguyện tham gia BHXH, BHYT.
Tuy nhiên, hiện nay, việc "tiếp xúc gần" không phù hợp với tình hình dịch COVID-19, do đó, BHXH tỉnh Đắk Nông đã kịp thời chỉ đạo BHXH các huyện đa dạng hóa các hình thức truyền thông như: tăng cường hình thức tuyên truyền qua hệ thống phát thanh cơ sở, tuyên truyền lưu động...
Các kênh thông tin này tiếp tục duy trì sự quan tâm, chú ý của nhân dân, đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về chính sách BHXH, BHYT, tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong việc triển khai, thực hiện chính sách.
Tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng internet thông qua việc thành lập fanpage và thành lập trang Zalo của BHXH tỉnh. Qua thời gian triển khai, đi vào hoạt động, các kênh tuyên truyền này đã hoạt động hết sức hiệu quả, phù hợp với công tác phòng chống dịch COVID-19. Qua đó đã thu hút đông đảo người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm, đăng ký để nhận các thông tin mới, cũng như giải đáp các khó khăn, vướng mắc thực tế của đơn vị, người dân trong việc tham gia, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Đáng chú ý, để đạt và vượt chỉ tiêu bao phủ về BHXH, BHYT do UBND tỉnh giao trong năm 2021, BHXH tỉnh Đắk Nông tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể, địa phương tăng cường tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT; đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, tập trung vào nhóm là người tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia BHYT theo hộ gia đình và người lao động tại các khu công nghiệp, hợp tác xã.
Nhìn nhận thực trạng phát triển BHXH trên địa bàn cả nước cũng như tại tỉnh Đắk Nông, Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đánh giá với sự phát triển toàn diện của đất nước, hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, đảm bảo công bằng xã hội. Điều này càng thể hiện rõ trong đại dịch hiện nay.
Tuy nhiên, công tác đảm bảo an sinh xã hội vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm, đó là tỷ lệ bao phủ BHXH trên cả nước mới đạt khoảng 35-36% lực lượng lao động trong độ tuổi; BHTN đạt khoảng 28- 29%, còn thấp; số nợ, chậm đóng BHXH tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, đối tượng hưởng chế độ BHXH một lần năm 2020 tăng 6,65% so với năm 2019.
Con số này có thể tiếp tục gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Mặt khác, còn khoảng 9% dân số chưa tham gia BHYT là một khoảng trống trong công tác chăm sóc sức khỏe đối với người dân hiện nay.
Theo Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai, cần phát triển hệ thống đảm bảo đồng bộ, BHXH tiến bộ, đẩy mạnh phát triển BHXH tự nguyện và có giải pháp căn cơ để hạn chế mức thấp nhất đối tượng BHXH một lần. Bên cạn đó, xử lý mạnh để hạn chế tối đa nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài. Đồng thời, thúc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các mô hình an sinh xã hội.
Thy Lê