Lâu nay, các tỉnh miền núi Tây Bắc được xác định là “lõi nghèo” của cả nước. Để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nhiều mô hình HTX đang được các tỉnh Tây Bắc nhân rộng, cơ cấu kinh tế toàn vùng chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế đặc thù.
Cần thành lập HTX
Khởi nghiệp năm 2010, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Lan (Mai Sơn - Sơn La) Nguyễn Ngọc Dũng cho biết ban đầu, ông thành lập HTX vận tải, chuyên chở vật liệu xây dựng, chủ yếu trong địa bàn huyện, tỉnh.
Tuy nhiên, nhận thấy làm nông nghiệp có lợi thế hơn về đất đai, khí hậu, năm 2014, ông vận động người dân thành lập HTX kiểu mới, với 52 thành viên, tổng diện tích cây ăn quả 100ha, trong đó có 60ha xoài; 20ha bưởi; 20ha nhãn, cam Canh.
HTX trồng giống xoài Đài Loan ghép với xoài bản địa để có cây khỏe và chất lượng trái tốt. Nhờ chất đất và khí hậu Sơn La tốt hơn nên xoài Sơn La được đánh giá chất lượng hơn hẳn xoài ở thủ phủ phía Nam.
Giống xoài Đài Loan ghép cải tạo trên gốc cây xoài địa phương cho năng suất cao |
Năm 2017, HTX có đơn xoài xuất khẩu đầu tiên và đến năm 2018, HTX xuất khẩu 107 tấn, trong đó, sang Trung Quốc 100 tấn, doanh nghiệp đến thu mua tại vườn với giá 13.000 đồng/kg; 7 tấn xuất sang Úc với 23.000 đồng/kg do tiêu chuẩn khắt khe hơn. Năm nay, đơn hàng sẽ cao gấp nhiều lần bởi đã có nhiều khách đặt hàng. Gia đình ông Dũng chỉ có 2 vợ chồng canh tác nhưng trừ chi phí cũng thu lãi 500 triệu đồng/năm.
Cũng tận dụng lợi thế khí hậu và thổ nhưỡng, cùng với truyền thống 20 canh tác cây cà phê ở vùng đất này, ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Coffee Bích Thao (Tp. Sơn La) cho biết phải đến tháng 5/2017 mới thành lập HTX, với 11 thành viên. Hiện, toàn tỉnh có trên 17.000ha cà phê, đây cũng là vùng chuyên canh cà phê Arabica lớn nhất cả nước.
Diện tích bình quân các hộ thành viên 3ha/hộ; doanh thu 300-500 triệu đồng/hộ/năm. Ngoài ra, bà con còn xen canh xoài, nhãn trong vườn cà phê để tăng nguồn thu. Sản phẩm của HTX được xuất sang các nước: Đức, Mỹ, Thái Lan, Nga và tiêu thụ trong nước.
Ông Thao khẳng định: "chúng tôi thấy, cần phải thành lập HTX, để cùng nhau đi xa hơn, mua vật tư rẻ hơn. Nhất là xuất khẩu trực tiếp, không phải qua khâu trung gian, lợi nhuận thu về cao hơn và không bị thương lái ép giá khi được mùa”.
Nhiều khó khăn, thách thức
Thực tế cho thấy, các HTX ở Tây Bắc có rất nhiều tiềm năng phát triển nhưng lại gặp không ít khó khăn. Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Mường Kim (Bát Xát - Lào Cai) Vàng Văn Sưởng, cho biết quê ông có nhiều loại dược liệu quý như: gừng gió, màng tang, chùa dù, kinh giới rừng, huyết đằng, giây gấm… dùng để trị cảm cúm, ho, chữa bệnh gút, bổ máu…
Vùng trồng dược liệu của HTX Mường Kim |
Khi còn làm Trưởng thôn Cửa Cải, ông được vận động thành lập HTX để giúp bà con thoát nghèo. Năm 2016, HTX Mường Kim ra đời, với 16 thành viên, diện tích đất 20ha chuyên trồng và chế biến dược liệu, chiết xuất tinh dầu xuất sang Thái Lan và cung cấp cho đồng bào Dao làm thuốc tắm. Hiện, mỗi năm HTX bán ra thị trường 3-4 tạ cao, tinh dầu, mang lại thu nhập 60-70 triệu đồng/năm cho các hộ dân.
“Trở ngại lớn nhất là trình độ quản lý HTX còn kém nên đầu vào của HTX chưa ổn định, ví như: gừng gió, nguyên liệu để sản xuất tinh dầu (sản phẩm chính của HTX) đang phụ thuộc thiên nhiên, nhưng nguồn này đã cạn kiệt. Để giải quyết vấn đề trên, HTX đã cung cấp cây giống, song bà con “ngại” trồng, do chưa có tầm nhìn xa, đầu tư thâm canh cây dược liệu để có cuộc sống ổn định. Đấy là những khó khăn không phải một sớm, một chiều có thể giải quyết được”, ông Sường chia sẻ.
Cùng chia sẻ khó khăn, ông Giàng A Chinh, Giám đốc HTX Táo mèo (bản Nậm Lộng, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), cho biết, quê ông có cây sơn tra (táo mèo) mọc tự nhiên trên rừng, là cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào. Năm 1994, được khoanh nuôi, bảo vệ để khai thác tốt hơn, song, đầu năm 2018, ông mới thành lập HTX, để giúp bà con tiêu thụ tốt hơn.
HTX có 7 thành viên, hộ nhiều nhất có 39ha. Thị trường chủ yếu là Phú Thọ, Sơn La và một số huyện lân cận. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất khi thu hoạch sơn tra là đường sá khó khăn, do phải đưa từ núi cao xuống, đường dốc đứng, trơn trượt. Từ chân núi về xã trên 30 km, phải gùi hàng trên lưng và qua 3-4 con suối mới đến bản. Phụ nữ chỉ gùi được 30 - 35kg, đàn ông 40-45kg. Trời nắng có thể đi xe bán tải, nếu mưa phải đi xe máy, và thường chở ít nhất 70- 80kg trên xe.
“Năm 2018, được mùa sơn tra, nhưng giá bấp bênh, chỉ 40.000 đồng/10kg, táo hái trên cây. Giá rẻ quá, nên khi “bí” đầu ra, HTX thu mua với giá trung bình cho bà con và đi bán ở các tỉnh bạn, hoặc tại Sơn La. Các thành viên cần HTX để đi xa hơn, đỡ vất vả, lại được giá”, ông Chinh chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Quốc Doanh, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Tây Bắc phát triển trên quy mô sâu rộng và hiệu quả hơn, cần ưu tiêu đầu tư, nghiên cứu các định hướng sau: Nghiên cứu tăng giá trị sản phẩm hàng hoá thông qua phát triển các chuỗi giá trị nông, lâm sản có thế mạnh của địa phương, gắn sản xuất với thị trường trong và ngoài nước; tổ chức nền nông nghiệp đặc hữu, đa dạng phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và đa dạng sinh học; thành lập các HTX...
Thu Huyền