Tại buổi hội thảo công bố Bản tin cập nhật thị trường lao động (quý IV/2018) tổ chức ngày 4/4, ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ đại học trở lên giảm mạnh. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp dài hạn có xu hướng gia tăng.
Tuyển dụng khắt khe hơn
Bộ LĐ-TB&XH cho biết cả nước có 54,53 triệu người có việc, làm tăng 22,94 nghìn người (chiếm 0,42%) so với quý III. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, người lao động hưởng lương tăng. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Khảo sát của Bản tin thị trường lao động cho thấy, quý IV/2018, cả nước có 1.062 nghìn người trong độ tuổi thất nghiệp, giảm 7,6 nghìn người so với quý III/2018 và giảm mạnh 8,81 nghìn người so với quý IV/2017. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi giảm nhẹ, còn 2,17%.
Đặc biệt, thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ đại học trở lên giảm mạnh nhất, là 135,8 nghìn người, giảm 15,9 nghìn người so với quý III/2018. Nhóm trình độ trung cấp là 68,8 nghìn người, giảm 1,5 nghìn người.
Ngược lại, nhóm trình độ cao đẳng có 81,4 nghìn người thất nghiệp, tăng 6,2 nghìn người. Nhóm trình độ sơ cấp nghề có 27 nghìn người thất nghiệp, tăng 1,6 nghìn người so với quý III/2018.
Tuy nhiên, ông Vinh cho biết theo dõi 3 quý liên tiếp cho thấy số người thất nghiệp dài hạn (12 tháng trở lên) chiếm 34,42% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp dài hạn có xu hướng gia tăng. Cụ thể, quý I là 30,14%, quý II là 34,93%, quý III và quý IV lần lượt tăng lên là 34,94% và 35,42%.
Nêu nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, ông Vinh cho rằng do công việc mới đòi hỏi có tay nghề nên lao động phải đi đào tạo với thời gian dài hơn. Bên cạnh đó, thị trường lao động có xu hướng ổn định, ít lao động nhảy việc nên việc tuyển dụng lao động cũng khắt khe hơn.
Thứ trưởng Bộ LĐ- TB&XH Doãn Mậu Diệp đánh giá nhìn vào số liệu thống kê 5 năm qua (kể từ khi có bản tin cập nhật thị trường lao động), sẽ thấy tính đến quý I/2019, lực lượng lao động đã tăng hơn 2 triệu người so với quý I/2014.
Năng suất lao động chung tiếp tục được cải thiện |
Lao động không còn quá dồi dào
“Nếu tính 5 năm, mỗi năm lực lượng lao động chỉ tăng 400.000 người, không dồi dào lực lượng lao động như ta vẫn nói. Tính từng quý một sẽ thấy sự dịch chuyển lao động quá chậm, nhưng nếu nhìn cả 5 năm (20 quý) sẽ thấy lực lượng lao động đã, đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ, tích cực. Lực lượng lao động nông nghiệp đã giảm 9%, bên cạnh đó lực lượng làm công hưởng lương tăng 9%...”, ông Diệp nói.
Khảo sát của Bản tin thị trường quý IV/2018 cho thấy cả nước có 19,92 triệu người đang làm việc trong khu vực nông nghiệp, giảm 628 nghìn người so với quý III/2018 và 1,56 triệu người so với quý IV/2017.
Số người đang làm việc trong ngành lâm nghiệp và thủy sản chiếm 36,53% tổng số lao động đang làm việc, giảm hơn so với quý III/2018 (37,85%) và quý IV/2017 (39,75%).
Một số ngành có số lượng lao động tăng nhiều nhất so với quý II/2018 và cùng kỳ năm 2017 là: Công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động dịch vụ khác.
Đánh giá về triển vọng thị trường lao động năm 2019, Thứ trưởng Bộ LĐ- TB&XH cho rằng năm 2019 kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, thị trường lao động sẽ có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần sử dụng lao động giản đơn sang sử dụng nhóm lao động có kỹ năng và trình độ, chất lượng lao động được nâng cao.
Bên cạnh đó, năng suất lao động chung tiếp tục được cải thiện xu hướng ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp sẽ dẫn đến chuyển dịch cơ cấu lao động theo các ngành.
Bản tin cũng đưa ra dự báo quý I/2019, tổng số việc làm đạt khoảng 54,6 triệu, tăng 60,5 nghìn người, tăng 0,11% so với quý IV/2018 và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Thanh Hoa