Đứng thứ hai thế giới sau Singapore là Hàn Quốc, Nhật Bản tiếp theo và HongKong giữ vị trí thứ tư. Thứ hạng cao của các quốc gia Đông Á đã cho thấy đây là khu vực đang ở thời kỳ thịnh vượng của phát triển con người.
Theo báo cáo, một trẻ em Việt Nam nếu được tiếp cận đầy đủ các điều kiện về giáo dục và sức khỏe, ở độ tuổi trưởng thành sẽ có năng suất lao động đạt 67%, ngang với Trung Quốc. Con số này nếu xét trong khu vực, Singapore đạt 88%, Malaysia là 62%, trong khi Thái Lan chỉ có 60%. Philipines kém hơn với 55% và Indonesia 53%.
Việt Nam đứng thứ 48/157 về chỉ số vốn con người (Ảnh: Internet) |
Hai thành tố để xác định được chỉ số vốn con người của Ngân hàng Thế giới là giáo dục và y tế. Giáo dục được xác định bởi điểm của bài kiểm tra tổng hợp, trong khi y tế được đánh giá dựa vào tỷ lệ trẻ em không bị thấp còi.
Kết quả đã chỉ ra, học sinh Việt Nam chỉ đứng thứ hai sau Singapore trong khu vực và so với toàn thế giới cũng vẫn ở top trên. Nếu so với Thái Lan hay Trung Quốc, tính trung bình trẻ em Việt Nam học giỏi hơn nhưng đáng tiếc là còi hơn. Điều đó làm giảm đáng kể thứ hạng của Việt Nam trên bảng tổng sắp.
Một kết quả khác trong báo cáo cho biết, mức độ phổ cập giáo dục dựa vào kỹ năng đọc viết của Việt Nam xếp trên rất nhiều quốc gia phát triển như Đức, Ý, Mỹ, hay Pháp. Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi 19 - 20 ở Việt Nam thiếu kỹ năng đọc viết gần như là 0%. Trong khi quốc gia phát triển như Italy lại có tới trên 20% thanh niên trong độ tuổi này chưa đạt giáo dục cấp 2.
World Bank cũng đánh giá cao những nỗ lực nâng cao năng suất lao động của Việt Nam: "Bằng cách tích cực tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, công nhân Việt Nam đã phát triển khả năng ngoại ngữ, phát triển nguồn nhân lực cho phép họ mở rộng sang các thị trường khác".
Vũ Trọng