Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, năng suất lao động (NSLĐ) toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD), tăng 8,8 triệu đồng so với năm 2017 (tương đương 346 USD). Tính theo giá so sánh năm 2010, NSLĐ toàn nền kinh tế năm 2018 tăng 5,93% so với năm trước, bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 5,75%/năm.
Vẫn chậm chân trong khu vực
NSLĐ của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Tính chung giai đoạn 10 năm 2008-2017, NSLĐ theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011) của Việt Nam tăng trung bình 4%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore (0,9%/năm), Malaysia (1,1%/năm), Thái Lan (2,6%/năm), Philippines (3,3%/năm), Indonesia (3,4%/năm).
Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực: Tính theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% mức NSLĐ của Singapore, 18,4% của Malaysia, 36,2% của Thái Lan, 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines.
Đáng chú ý là chênh lệch về mức NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng, cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Lao động quốc tế, Việt Nam có mức tăng NSLĐ nhanh nhất ASEAN, song chênh lệch với các nước vẫn ngày càng nới rộng.
Năm 2017, NSLĐ của Việt Nam gấp hai lần NSLĐ trung bình của nhóm nước thu nhập thấp nhưng chỉ bằng hơn 50% nhóm nước thu nhập trung bình thấp và bằng 18,3% nhóm các nước thu nhập trung bình cao. Trong khi đó, khả năng tăng trưởng GDP tới 9-10% mỗi năm là khó khả thi và nếu có sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng lo ngại nền kinh tế vẫn đứng trước nhiều thách thức thể hiện qua GDP bình quân đầu người còn thấp, NSLĐ chưa cao, nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu về kinh tế vẫn hiện hữu.
"Khát vọng thịnh vượng của Việt Nam đòi hỏi phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế dựa vào yếu tố tăng năng suất. Chúng ta đã có nhiều cố gắng nhưng NSLĐ hiện vẫn còn thấp xa so với một số nước trong khu vực, vẫn chủ yếu sử dụng lao động giản đơn, trong khi việc đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng lao động… còn rất hạn chế", ông Dũng nhấn mạnh.
Với bối cảnh này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng động lực cho tăng trưởng nhanh, bền vững của Việt Nam giai đoạn tới vẫn dựa trên nền móng là cải cách thể chế kết hợp với tập trung nâng cao NSLĐ, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) thông qua chính sách, giải pháp phù hợp, hữu hiệu, nhất là thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) bùng nổ, sự thay đổi của khoa học công nghệ, quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng gay gắt, sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực công nghệ cao… thì nguồn nhân lực càng cần phải thay đổi nhanh chóng.
Phát triển các mô hình đào tạo để người lao động sẵn sàng làm việc cùng những máy móc thông minh |
Doanh nghiệp cần hỗ trợ
Nguồn nhân lực phải chuyển từ lao động giản đơn sang lao động tay nghề cao, kỹ năng tốt, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, đáp ứng yêu cầu của kinh tế tri thức, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nếu không thay đổi không những không tận dụng được cơ hội để tăng năng suất mà còn có nguy cơ bị đào thải, thay thế bởi sự phát triển của robot, máy móc, trí tuệ nhân tạo.
Theo Ts. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), ảnh hưởng của CMCN 4.0 theo dự báo trong trung hạn sẽ dẫn đến tình trạng giảm sút nhu cầu nhân lực trong các ngành đòi hỏi chuyên môn và kỹ năng cao, đặc biệt trong các ngành về công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu, công nghệ mới, chăm sóc con người, nghệ thuật…
Điều này đặt ra yêu cầu đối với hệ thống giáo dục đào tạo phải thích ứng để đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên nghiệp và năng lực thích ứng cao với biến đổi của khoa học công nghệ, hướng vào các ngành đòi hỏi tính sáng tạo cao và những ngành nhắm tới việc phục vụ trực tiếp con người.
Ông Klaus Schwab, nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới, cho biết xu hướng sắp tới là sự phân cực mạnh mẽ hơn của thị trường lao động. Việc làm sẽ tăng đối với loại công việc trí tuệ, sáng tạo với mức lương cao và loại công việc chân tay thu nhập thấp nhưng sẽ giảm đáng kể đối với các loại công việc đều đặn, lặp đi lặp lại với mức thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, Klaus Schwab cho rằng tư duy về tự động hóa và hiện tượng thay thế lao động nên tránh sa vào cách nhìn cực đoan về tác động của công nghệ tới việc làm và tương lai của việc làm.
Trên thực tế, ở hầu hết các trường hợp, sự kết hợp của công nghệ kỹ thuật số, vật chất và sinh học vốn đang thúc đẩy những thay đổi hiện nay sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nhận thức, đồng nghĩa với việc cấp quản lý cần chuẩn bị lực lượng và phát triển mô hình đào tạo để người lao động sẵn sàng làm việc cùng với những máy móc ngày càng thông minh, có năng lượng và được kết nối.
Ông Đỗ Văn Lâm, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, cho rằng ngoài các yếu tố của bản thân DN, Nhà nước cần tiếp tục có các chính sách nhằm khuyến khích các DN đầu tư công nghệ, tham gia các khu công nghiệp và tích cực tham gia các hoạt động xuất nhập khẩu để thúc đẩy tăng trưởng NSLĐ. Bên cạnh đó, các tỉnh nên tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động.
Cụ thể, ông Lâm phân tích, nếu điều kiện của tỉnh hỗ trợ tốt cho sự phát triển DN, các DN thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó sẽ làm tăng NSLĐ.
Nếu DN hoạt động sản xuất liên quan đến hoạt động xuất khẩu hoặc nhập khẩu, NSLĐ cũng cao hơn so với DN khác. Nguyên nhân là do các DN hoạt động sản xuất kinh doanh có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng bởi sức ép về chất lượng mặt hàng xuất/nhập khẩu và hiệu ứng ảnh hưởng từ các DN nước ngoài.
Ngoài ra, việc DN có nằm trong khu công nghiệp hoặc không cũng có những tác động nhất định tới NSLĐ. Những DN nằm trong khu công nghiệp sẽ có NSLĐ cao hơn các DN nằm ngoài khu công nghiệp, điều đó thể hiện được ưu thế của khu công nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trong thời gian sắp tới, phải làm sao để khoa học công nghệ tạo đột phá, động lực cho phát triển kinh tế. Ai làm ra khoa học công nghiệp – chính là con người, muốn như vậy chúng ta phải thay đổi phương thức đào tạo, đặc biệt đào tạo nghề, đại học. Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Tăng NSLĐ chính là yếu tố quyết định tới sức cạnh tranh của DN và của nền kinh tế. Khu vực DN chiếm vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế, do đó cần có giải pháp khuyến khích các DN sắp xếp lại để có quy mô lao động tối ưu nhằm đạt được NSLĐ cao nhất. Có chính sách ưu đãi về đất đai, về thuế, tín dụng… đối với các DN sử dụng dây chuyền công nghệ cao, hiện đại; khuyến khích các DN đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu để tăng năng suất. Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Trong bối cảnh mới, vai trò của yếu tố con người, nguồn nhân lực càng trở nên quan trọng. Yêu cầu đặt ra là phải thay đổi mạnh mẽ chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện năng suất của người lao động trong kỷ nguyên CMCN 4.0, tạo ra một lực lượng lao động làm việc thông minh và hiệu quả. |