Tại họp báo chuyên đề về công tác phòng, chống buôn lậu năm 2017, ông Võ Quang Khánh - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, cho biết trong năm 2017, số lượng các vụ buôn lậu giảm, nhưng tăng về giá trị và thêm nhiều thủ đoạn tinh vi, diễn biến phức tạp. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng trong năm, lực lượng hải quan đã triệt phá được nhiều vụ việc nổi cộm.
Xuất hiện nhiều thủ đoạn mới
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến ngày 15/12, lực lượng kiểm soát hải quan toàn ngành đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý 15.184 vụ vi phạm pháp luật hải quan (giảm 1,97% so với cùng kỳ năm 2016); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính: 789 tỷ 579 triệu đồng (tăng 89,58% so với cùng kỳ năm 2016); số tiền thu nộp ngân sách nhà nước: 334 tỷ 800 triệu đồng (tăng 95% so với cùng kỳ năm 2016).
Như vậy, so với cùng kỳ năm 2016, số vụ vi phạm pháp luật hải quan có giảm, nhưng trị giá hàng hóa vi phạm lại tăng tới 89,58%.
Ông Khánh cho biết năm nay, số lượng các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại giảm so với năm 2016. Tuy nhiên, các đối tượng vi phạm hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, táo bạo, tổ chức thành đường dây, ổ nhóm để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa vào Việt Nam.
Tại tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, nổi lên các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng tạm nhập tái xuất, hàng bách hóa tiêu dùng... như: Ma túy, ngoại tệ, tiền giả, pháo, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, đường, gia cầm, thực phẩm, quần áo, giày dép, điện thoại di động, đồ chơi trẻ em...
Bên cạnh đó, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên tuyến đường biển, các cảng biển quốc tế tập trung vào các mặt hàng như: Xăng, dầu, gỗ, khoáng sản, động thực vật hoang dã, đồ điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng...
![]() |
Hoạt động buôn lậu qua cửa khẩu ngày càng tinh vi
Tại các cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế, đáng chú ý là hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng nhỏ gọn, có giá trị cao, dễ cất giấu như: Ma túy, vũ khí, vàng, sản phẩm của động vật hoang dã, điện thoại, thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...
Đánh giá tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa sẽ rất phức tạp vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, đơn vị đã chủ động chỉ đạo quyết liệt các cục hải quan tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, khu vực biên giới để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, đặc biệt các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, như: Thuốc lá, rượu, bia, bánh kẹo, hoa quả, thực phẩm, gia súc, gia cầm…
Phá nhiều chuyên án nổi cộm
Tại họp báo, ông Khánh cho biết trong năm 2017, lực lượng chống buôn lậu của Hải quan đã có những cuộc đánh án lớn. Trong đó có thể kể đến vụ phát hiện bắt giữ lô hàng quá cảnh sử dụng giấy tờ giả để đưa hàng cấm vào Việt Nam với trị giá hơn 3 tỷ đồng, thông qua lô hàng chứa trong container vận chuyển trên tàu Mol Celebration, đi từ Cảng Long Beach - Los Angeles (California - Mỹ) về Việt Nam.
Hay vụ lợi dụng hình thức quá cảnh của công ty TNHH vận tải thương mại dịch vụ Triệu Hiển để “rút ruột” lô hàng 180 chiếc điện thoại iPhone 7 và iPhone 7 plus quá cảnh sang Campuchia, thành lô hàng chỉ còn 1 chiếc điện thoại iPhone 7, 1 chiếc điện thoại iPhone 7 plus và có thêm 16 thùng kem đánh răng, 2 thùng dầu gội đầu.
Trong tháng 11/2017, lực lượng hải quan đã phát hiện gần 8kg ma túy tổng hợp được tuồn vào Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh từ Hà Lan về Hà Nội, Tp.HCM. Hay vụ Đội Kiểm soát hải quan và Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (thuộc Cục Hải quan Tp.HCM) đã phát hiện, bắt giữ vụ buôn lậu iPhone và iPad lớn qua đường chuyển phát nhanh vào ngày 24/8.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc buôn lậu bắt nhiều nhưng khởi tố ít, ông Khánh cho hay, do bất cập về pháp luật, như: Theo quy định, thẩm quyền cấp Đội, Hải đội chỉ được tịch thu tang vật vi phạm có trị giá không vượt quá 25 triệu đồng với cá nhân và không quá 50 triệu đồng với tổ chức; thẩm quyền của cấp Cục trưởng chỉ được phạt và tịch thu hàng hóa vi phạm có trị giá không vượt quá 50 triệu đối với cá nhân, 100 triệu đồng đối với tổ chức. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều vụ bắt giữ của cơ quan Hải quan có trị giá hàng vi phạm cao hơn, gây khó khăn trong quá trình xử lý.
Bên cạnh đó, trong hoạt động tổ chức điều tra hình sự, việc thu giữ, bảo quản, sử dụng vật chứng để phục vụ công tác điều tra là hết sức quan trọng, nhưng cơ quan Hải quan không được pháp luật cho phép xây dựng kho tạm giữ vật chứng. Do vậy, khi thu giữ vật chứng, cơ quan Hải quan phải gửi ở cơ quan Công an nên ảnh hưởng nhất định đến tiến độ, hiệu quả điều tra vụ án.
Thanh Hoa