Việc huyện tập trung phát triển cây trồng chủ lực một phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giải quyết việc làm và thay đổi tư duy sản xuất của lao động nông thôn.
Phát triển cây cà phê
Là địa phương phải chịu sự khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng đó lại chính là thế mạnh để huyện phát triển cây cà phê. Với huyện Mường Ảng, việc ưu tiên phát triển cây trồng chủ lực trong triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu được thể hiện bằng sự quyết liệt từ chính quyền và người người dân với mong muốn nâng cao thu nhập từ loại cây cây nghiệp này.
Cà phê là cây trồng chủ lực ở Mường Ảng |
Chính vì vậy, huyện đã tập trung phát triển cây cà phê theo hướng bền vững nhằm hạn chế tình trạng “lúc thăng, lúc trầm” của thị trường. Nguyên nhân huyện chú trọng phát triển cây cà phê vì đây là cây trồng phù hợp với địa phương, dù cà phê trên thị trường bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh bởi cà phê nhập nhưng với xu hướng thưởng thức cà phê nguyên chất, có vị đặc trưng nên đây vẫn là lối đi được huyện lựa chọn.
Đến nay, người dân Mường ảng đã chú trọng áp dụng quy trình sản xuất cà phê sạch, từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc đến thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm. Trong quá trình trồng, người dân đã lựa chọn cây che bóng phù hợp. Vật nuôi cũng được chăn nuôi tập trung để bảo đảm vườn cà phê phát triển bền vững, không bị phá hoại.
Đặc biệt việc lựa chọn các giống năng suất, phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng được huyện quan tâm. Các giống cà phê ghép TN1, TN1 (ghép từ gốc cà phê chè Catimor với chồi cà phê Tây Nguyên 1, Tây Nguyên 2) giúp năng suất cây trồng ổn định ở mức 20 - 22 tấn quả tươi/ha và cao hơn từ 3 - 5 tấn/ha so với giống cà phê cũ.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng bền vững, Mường ẢNg đã trở thành huyện có diện tích cà-phê lớn nhất tỉnh (3.311 ha), chất lượng có tiếng trong cả nước. Tuy nhiên để người trồng cà-phê ở Mường Ảng sống được nhờ cây cà-phê, huyện còn chú trọng hỗ trợ người dân sơ chế, chế biến nhằm nâng cao giá trị sản xuất.
Từ năm 2018, lãnh đạo huyện Mường Ảng đã thống nhất thành lập Tổ tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thu hái, sơ chế cà-phê trấu.
Các thành viên tổ tuyên truyền là cán bộ các phòng, ban chuyên môn của huyện có trách nhiệm thông tin, tìm kiếm các đơn vị thu mua có uy tín để cung cấp cho nhân dân; cùng với đó, tổ tuyên truyền còn hướng dẫn người dân kỹ thuật thu hái, sơ chế cà-phê trấu, đáp ứng yêu cầu của đối tác thu mua.
Cùng với đó, chính quyền huyện đã thực hiện quy hoạch, định hướng vùng sản xuất đồng thời "xắn tay" cùng người nông dân tìm thị trường ổn định. Ngoài diện tích cà phê đạt chuẩn VietGAP, tới đây, Mường Ảng tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia sản xuất cà phê theo chứng nhận tiêu chuẩn UTZ để nâng cao giá trị sản phẩm.
Chuyển đổi sang trồng màu
Mường Ảng có khí hậu khắc nghiệt, khó khăn về nước tưới nên việc chuyển đổi diện tích lúa nương sang trồng rau màu được huyện chú trọng.
Ẳng Cang là một trong những xã có diện tích trồng rau màu lớn nhất trên địa bàn huyện với hơn 35ha, trong đó 20ha là diện tích trồng rau phục vụ kinh doanh. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những chân ruộng thấp sang phát triển rau màu, xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức quy hoạch vùng trồng rau tại một số bản, đồng thời tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho nông dân. Việc đẩy mạnh diện tích trồng rau màu đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.
Bản Quyết Tiến II, xã Búng Lao cũng là một trong những bản chuyên canh sản xuất rau lớn trên địa bàn huyện. Bản có 82 hộ thì 90% số hộ sản xuất rau màu kinh doanh.
Ông Ngô Viết Hanh, Trưởng bản Quyết Tiến II, cho biết: Cả bản hiện có gần 5ha trồng rau, hoa màu. Vài năm trở lại đây một số hộ chuyển đổi một phần diện tích chân ruộng, hoặc diện tích canh tác hoa màu thiếu nước sang trồng mía.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho các hộ dân, giúp nhiều hộ trong bản thoát nghèo mà còn thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Trung bình mỗi loại rau có giá 8.000 - 10.000 đồng/kg, mỗi gia đình trồng 5.000 - 7.000m2 rau củ quả các loại, cho thu nhập bình quân 30 - 40 triệu đồng/năm. Rau màu ngoài việc phục vụ nhu cầu của nhân dân trong huyện còn được xuất đi các huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, Hà Nội...
Hiệu quả kinh tế rõ rệt từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Mường Ảng, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp và bà con nông dân trên địa bàn tiếp tục duy trì và phát triển việc chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng các loại rau, củ quả cho hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, góp phần quan trọng vào Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Huyền Trang