Những năm trước, Quế Phong là huyện biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An, nhưng đến nay, đời sống người dân đã đổi thay, kinh tế xã hội từng bước đi lên. Nhờ thực hiện nghị quyết 30a giảm nghèo nhanh, bền vững của Chính phủ, hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.
Tạo việc làm cho bà con
Năm 2013 anh Bùi Anh Dân từ Thái Bình mang theo nghề chế biến tăm nhang xuất khẩu vào xã Quế Sơn huyện Quế Phong lập nghiệp. Tại đây anh cùng 19 bà con dân bản thành lập nên HTX chế biến nứa lùng Quế Sơn. Qua 6 năm hoạt động, hiện HTX đã thu hút được hàng trăm lao động: 70 người chuyên khai thác nguyên liệu, 40 người chuyên chẻ nan, 30 người đứng máy…
Mỗi ngày, HTX chế biến từ 3-5 tấn lùng tươi và cho ra đời 5 - 7 tạ sản phẩm. Hàng tháng HTX xuất 3 chuyến hàng mỗi chuyến từ 18 - 20 tấn. Sản phẩm của HTX được các doanh nghiệp thu mua xuất sang thị trường Ấn Độ. Do bảo đảm quy trình kỹ thuật cộng với chất lượng nứa lùng nên sản phẩm của HTX được thị trường đón nhận. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Do đẩy mạnh sản xuất đời sống của người lao đông ngày càng được cải thiện, thu nhập người lao động đạt từ 3 - 7 triệu đồng/tháng. Đây là mô hình cần nhân rộng ở vùng núi cao để giải quyết việc làm cho người lao động nhằm tới đích xóa đói giảm nghèo cho bà con.
Ông Sầm Văn Trung (Quế Phong) cho biết: Từ ngày HTX ra đời, bà con phấn khởi lắm, có thu nhập cao, có người thu mua nứa, lùng cho bà con. Chứ trước đây, nứa mọc nhiều mà để lãng phí không sử dụng nhiều. Những người không đi khai thác được có thể xin làm công nhân chẻ nứa trong HTX.
Chị em phụ nữ tham gia sản xuất tại HTX chế biến nứa, lùng Quế Sơn |
Để đạt yêu cầu xuất khẩu, HTX đã đầu tư máy móc (máy cắt, máy chà, máy sấy…) giúp quá trình làm việc nhanh hơn, chính xác hơn.
Các máy chẻ, sấy, chà chân nhang nhỏ và gọn, chạy bằng điện. Ưu điểm của máy móc là có tốc độ nhanh, cho ra được những tăm/chân nhang đều, đẹp, tròn, nhẵn nhụi. Theo Ban giám đốc HTX, một máy chẻ có giá không rẻ, khoảng 70 - 80 triệu đồng. Nhưng để nâng cao năng suất, chất lượng, HTX vẫn quyết định đầu tư.
Công đoạn làm khô tăm nhang cũng được thực hiện bằng máy sấy hơi nước thay cho phương pháp phơi nắng, hoặc sấy bằng lửa như trước. Sấy bằng máy hơi nước giúp sản phẩm không bị mối mọt, lại không bị phụ thuộc vào thời tiết, ảnh hưởng đến mẫu mã và chất lượng sản phẩm.
Đầu tư máy móc, mỗi ngày, HTX có thể chế biến 5 tấn lùng (nứa rừng tự nhiên) tươi và cho ra đời 5 - 7 tạ sản phẩm tăm, chân nhang. Hàng tháng, HTX xuất 3 chuyến hàng. Mỗi chuyến 18 - 20 tấn.
Sản xuất gắn với BVMT
Trong những năm qua, nhờ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự ra đời và phát triển của các HTX, THT.. kinh tế huyện Quế Phong đã có những chuyển biến rõ rệt, tỷ trọng phát triển công nghiệp – nông nghiệp – thương mại – dịch vụ đã có những thay đổi tích cực, thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2018 đạt 23,7 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 3,36%.
Không ngừng đẩy mạnh sản xuất giúp đời sống của người lao động ngày càng được cải thiện, HTX còn chú trọng việc sản xuất gắn với BVMT.
Khai thác gắn với phát triển bền vững vùng trồng nứa, lùng, BVMT đang là vấn đề được HTX và các đơn vị có liên quan đặc biệt quan tâm |
Các công đoạn trong quá trình sản xuất như lò sấy tăm, chân nhang bằng hơi nước mà HTX đầu tư không những làm tăng năng suất lao động mà còn hạn chế bụi, khói phát sinh. Lò sấy sử dụng mùn cưa, các thanh lùng, chân nhang thải loại từ công đoạn cắt, vót để làm nhiên liệu đun nóng nước trong nồi hơi. Hơi nóng được cấp cho lò sấy thông qua hệ thống đường ống dẫn hơi nước và dàn tản nhiệt tạo ra sự khô thoáng, giúp nguyên liệu khô đều.
Khói bụi trong quá trình đốt nhiên liệu được thu gom qua hệ thống khử bụi, lọc nước, giảm đáng kể hiện tượng ô nhiễm môi trường.
HTX còn tận dụng các nguyên liệu tre, nứa, gỗ... để làm nhiên liệu sấy. Loại lò này đã khắc phục được một số hạn chế của lò sấy bằng hơi đốt, như: Giảm nguy cơ cháy nổ trong quá trình sấy, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường…
Khu vực sản xuất được HTX xây dựng, che chắn kỹ càng để quá trình sản xuất không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân xung quanh.
Cả nước ta cây lùng chỉ thích nghi và phát triển mạnh ở miền núi cao thuộc ba tỉnh Sơn La, Thanh Hóa và Nghệ An. Riêng Nghệ An lùng chỉ phát triển ở hai huyện Quế Phong và Quỳ Châu. Để có nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất, HTX chú trọng khai thác có hiệu quả, bền vững.
Ông Bùi Văn Hùng cho biết: Nứa, lùng là loại cây mọc sẵn trong tự nhiên, có nhiều tác dụng trong đời sống của bà con nhân dân. HTX tuyên truyền cho chúng tôi khai thác những khu vực được phép khai thác, không chặt những cây con, khuyến khích các tổ chức, cá nhân mở rộng vùng trồng nứa, lùng, có như vậy thì mới phát triển bền vững, có nguồn nguyên liệu lâu dài.
Thu Thảo