Tại Hội thảo “Thực trạng thu nhập của lao động trong ngành may mặc và giải pháp hướng tới mức lương đủ sống”, chiều ngày 11/4, ông Lê Đình Quảng - Ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam, cho biết tiền lương, thu nhập, đời sống của người lao động (NLĐ) 2018 là 4.670.000 đồng, tăng 4,2% so với năm 2017.
“Chỉ đủ ăn chứ không đủ tiêu”
Khi khảo sát thực tế, đa số NLĐ cho biết thu nhập chỉ đủ trang trải, đời sống gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, kết quả nghiên cứu khảo sát của Oxfam và nhóm chuyên gia thuộc Viện Công nhân và Công đoàn về Tiền lương không đủ sống và hệ lụy của ngành dệt may cho thấy, nếu chỉ tính công việc hoàn thành trong giờ làm việc tiêu chuẩn, không tính các khoản phụ cấp lương thực tế của nhiều công nhân may được khảo sát không đủ sống ở mức cơ bản nhất.
69% công nhân cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình. 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương. 37% luôn ở trong tình trạng vay nợ từ bạn bè, người thân để bù lấp sự thiếu hụt chi tiêu. 96% không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn nhà hàng...
Lương thấp buộc NLĐ phải làm thêm giờ: 65% công nhân thường xuyên làm thêm giờ, 22% không sử dụng thời gian nghỉ giữa giờ, nếu có đi vệ sinh thì nhanh chóng để quay lại làm việc, 23% đang sống trong điều kiện nhà ở tạm bợ...
Như vậy, dệt may là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, NLĐ trong ngành dệt may có mức thu nhập thấp nhất và phải đối mặt với cuộc sống vô cùng khó khăn, bấp bênh, không bảo đảm cho những nhu cầu cơ bản của họ.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ đình công trong ngành dệt may cao nhất cả nước (năm 2018 đã có 84 cuộc đình công trong ngành dệt may, chiếm tỷ lệ 39,25%).
Bà Đinh Hà An - Quản lý Chương trình Quyền lao động, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), cho biết 80% NLĐ có thu nhập thực tế dưới 5 triệu/tháng. Trong đó hơn 10% (tổng thu - tổng chi)
54,8% lao động cho biết thu nhập chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu |
Lao động giá rẻ có còn là lợi thế?
Trong quá trình khảo sát, một công nhân ở Đồng Nai nói với bà An rằng: “Nếu không tăng ca thì lương của tôi quá thấp không để đủ sống”.
Quản lý Chương trình Việt Nam của Fair Wear Foundation (FWF) - bà Annabel Meurs, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc NLĐ không được trả mức lương có thể đủ sống cho bản thân và gia đình họ.
Cụ thể, một trong những nguyên nhân quan trọng là các nhãn hàng chưa có trách nhiệm đối với vấn đề này, chi phí lao động không được đưa vào trong quá trình đàm phán về giá.
Trước thực trạng trên, bà Hà cho rằng Chính phủ phải xác định mức lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, bao gồm khoản tiết kiệm phòng rủi ro.
Đối với công đoàn, cần nâng cao năng lực thương lượng về tiền lương với người sử dụng lao động, đồng thời đưa mức lương thương lượng vào thỏa ước lao động tập thể.
Đối với DN, cần đưa yếu tố lương đủ sống của NLĐ vào đàm phán đơn giá với các nhãn hàng. Cùng với đó, NLĐ cũng cần nâng cao tay nghề, tăng cường hiểu biết kiến thức pháp luật, tuân thủ kỷ luật lao động, an toàn vệ sinh lao động...
Đại diện cho tổ chức Công đoàn, ông Quảng kiến nghị cần phải tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tiền lương, nâng cao trách nhiệm xã hội của DN, khách hàng, nhãn hàng quốc tế, đảm bảo quyền cơ bản của NLĐ trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, tăng cường đối thoại, thương lượng về tiền lương.
Như vậy, liệu rằng mức lương thấp có còn là lợi thế của nền kinh tế Việt Nam?
Thy Lê