Tại Hội thảo Thực trạng thu nhập của lao động trong ngành may mặc và giải pháp hướng tới mức lương đủ sống diễn ra chiều 11/4 tại Hà Nội, bà Đinh Hà An, Quản lý Chương trình Quyền Lao động, Trung tâm Phát triển và Hội nhập - CDI, cho biết 80% người lao động có thu nhập thực tế dưới 5 triệu đồng/tháng. Trong đó hơn 10% (tổng thu - tổng chi)
Hội thảo Thực trạng thu nhập của lao động trong ngành may mặc và giải pháp hướng tới mức lương đủ sống |
Trong ngành dệt may, hơn một nửa (54,8%) người lao động được hỏi cho biết thu nhập hiện tại của họ chỉ đủ cho các nhu cầu tối thiểu hàng ngày, mà không đủ cho các nhu cầu khác như hộ gia đình hay tiết kiệm đề phòng rủi ro.
"Chúng tôi thực sự đau lòng với những chia sẻ của người lao động, đặc biệt lao động ngành may, về cuộc sống khó khăn, bấp bênh của họ. Những nhu cầu cơ bản của người lao động như ăn uống có dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe, được ở gần gia đình, có tiền mua thuốc khi ốm đau cũng là thứ xa vời. Họ chỉ có hai chiến lược là giảm chi tiêu tới mức tối đa và làm tăng ca đến mức kiệt sức", bà An chia sẻ.
Theo bà An, lương thấp dẫn tới sự phụ thuộc vào làm thêm giờ và thưởng, phụ cấp mà những cơ chế có thể dẫn tới các hệ luỵ khác như giảm năng suất, tăng tỷ lệ tai nạn lao động, phân biệt đối xử, bạo lực, quấy rối và cả những hệ luỵ về mối quan hệ gia đình, giáo dục con cái, chăm sóc sức khỏe lâu dài... Do vậy, nhu cầu sống tối thiểu của người lao động là một yếu tố quan trọng, tiên quyết trong việc các bên xây dựng mức lương tối thiểu hàng năm.
Ông Lê Đình Quảng, Ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết dệt may là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, người lao động trong ngành dệt may có mức thu nhập thấp nhất và phải đối mặt với cuộc sống vô cùng khó khăn, bấp bênh, không đủ đảm bảo cho những nhu cầu cơ bản của họ.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ đình công trong ngành dệt may cao nhất cả nước (năm 2018 đã có 84 cuộc đình công trong ngành dệt may, chiếm tỷ lệ 39,25%).
Thy Lê