Để đáp ứng được hàng trăm lao động ngành cơ khí mỗi năm, gần 3 năm qua, công ty TNHH một thành viên Quang Trung đã phối hợp với trường Trung cấp nghề số 1 Hà Nội đào tạo sinh viên học nghề ngay từ đầu vào, nhằm cung cấp cho doanh nghiệp. Việc đào tạo này sẽ gắn kết giữa doanh nghiệp (DN), nhà trường và học sinh.
Thiếu học viên
Tuy nhiên, việc gắn kết không phải dễ, đôi lúc trường cũng phải từ chối vì khó khăn về nguồn đào tạo nên cũng không thể đáp ứng được hết nhu cầu của DN.
Một số nghề như cơ khí, hàn, tiện… cần tuyển dụng quá lớn, nhưng mỗi năm nhà trường chỉ cung cấp được 100 lao động cho các DN. 100% sinh viên những ngành này khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã có DN chào đón, thậm chí có những DN xếp hàng chờ cơ hội. Đứng trước thực trạng này, nhiều giáo viên trường nghề không khỏi ngậm ngùi tiếc nuối.
Lãnh đạo trường Trung cấp nghề số 1 Hà Nội chia sẻ, hết năm 2017, cả nước có 200.000 cử nhân thất nghiệp, trong khi đó trường nghề lại không có đủ học sinh để đáp ứng cho các vị trí việc làm mà DN đang cần.
Nguyên nhân là do các gia đình có tâm lý chủ yếu cho con em mình học đại học, ngay cả chọn nghề cho con em mình nhưng cũng không có định hướng học cái gì, nghề gì… Do đó, tỷ lệ các ngành thừa nhiều lao động như công nghệ thông tin, thương mại điện tử, kế toán…
Ông Nguyễn Văn Thành - Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Quang Trung, cho biết công ty đã trả lương cho người lao động (NLĐ) rất khá để thu hút họ. Đơn cử như NLĐ mới ra trường về công ty lương khởi điểm là 6 - 7 triệu đồng/tháng và các chế độ khác theo Luật Lao động. Còn lao động tay nghề cao có mức lương tầm 12 - 13 triệu đồng, thậm chí có vị trí 16 - 17 triệu đồng/tháng.
Theo PGs.Ts. Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), Việt Nam với nền kinh tế chuyển đổi, nhu cầu lao động nghề bậc trung rất lớn, trong khi đó số lao động là đại học cung lớn hơn cầu. Đào tạo đại học 70% là kiến thức cơ bản, hàn lâm, trong khi đó nghề bậc trung chủ yếu làm thực tế và đáp ứng yêu cầu của thị trường mới.
“Nếu đi học ngành nghề bậc trung cửa vào rộng rãi hơn, vì Chính phủ đã có hỗ trợ, ra trường DN sẽ sử dụng ngay kiến thức đó”, bà Hương nói.
Lao động cơ khí tay nghề cao vẫn luôn cung không đủ cầu |
Lệch nghề đào tạo
Bên cạnh việc thiếu lao động có tay nghề, thì thị trường lao động tỷ lệ người có bằng cấp vẫn làm không đúng nghề rất lớn, điều đó cho thấy rõ hơn văn hóa, tâm lý, phong tục tập quán vẫn còn lớn. Đòi hỏi có sự can thiệp rất lớn của Chính phủ, của các ngành chức năng để có thể điều chỉnh được cung - cầu của thị trường lao động.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), cho biết tại trung tâm của bà, chỉ tiêu tuyển dụng mà DN đưa ra rất cao, đòi hỏi trình độ trung cấp, cao đẳng cao hoặc ngang bằng trình độ cao đẳng, đại học.
Hơn nữa, lĩnh vực nghề nghiệp, nhu cầu tuyển dụng thường là nhân viên kinh doanh thương mại, nhân viên phục vụ cho ngành du lịch, nhà hàng khách sạn, nhân viên cơ khí, hàn, điện, công nghệ... Nhưng lực lượng lao động tìm đến trung tâm thiên về hành chính, văn phòng, kế toán… hoặc ngành nghề không đáp ứng được nhu cầu thực tế dẫn đến cầu vẫn thiếu mà cung vẫn thừa.
Bà Liễu cho biết theo dõi việc làm những năm gần đây từ trung tâm tổ chức cung ứng lao động, rất nhiều DN tìm lao động thợ hàn, thợ điện, cơ khí… Tuy nhiên, nguồn cung không đáp ứng được cầu. Nhiều DN đã tìm đến trường nghề đặt hàng, thậm chí trao học bổng cho học sinh học nghề để khuyến khích học sinh đăng ký học theo nghề họ đã đặt hàng.
Bên cạnh đó, Việt Nam chiếm tới 90% là DNNVV, nhiều đơn vị không có mô hình, không có phương pháp đào tạo nên cũng khó có thể kết nối được với nhà trường và học viên. Do đó, vấn đề này mãi đang là một bài toán làm sao để kết nối cung cầu và để học viên có thể lựa chọn được đúng nghề, đúng ngành đào tạo.
Phạm Minh