Theo quy định, mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH. Cụ thể, BHXH Việt Nam dẫn chứng trường hợp của ông P.P.N.T (cư trú tại TP.Hồ Chí Minh) là người đang có mức lương hưu cao nhất cả nước với hơn 124 triệu đồng/tháng.
Vì sao được hưởng lương lưu 124 triệu đồng/tháng?
Trước khi nghỉ hưu, ông T. là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc của một công ty. Tháng 4/2015, ông T. nghỉ hưu với mức lương hưu hơn 87,3 triệu đồng/tháng. Sau 05 lần điều chỉnh lương hưu của Nhà nước, đến tháng 6/2023, mức lương hưu của ông T. là 124.714.600 đồng/tháng.
Tại thời điểm tháng 4/2023, cả nước có 471 trường hợp đang hưởng lương hưu từ 20 triệu đồng trở lên. |
Để có được mức lương hưu như hiện tại, ông T. đã có trên 23 năm đóng BHXH, trong đó, giai đoạn trước năm 2007 khi quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo mức lương thực tế (số tiền đóng BHXH không bị giới hạn mức trần), mức đóng BHXH của ông T. rất cao. Có những thời điểm, mức tiền lương đóng BHXH bình quân của ông T. là hơn 200 triệu đồng/tháng.
Khi Luật BHXH năm 2006 có hiệu lực, đã quy định mức trần tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung (hoặc lương cơ sở). Theo đó, từ tháng 01/2007 đến tháng 3/2015, ông T. luôn đóng BHXH ở mức cao nhất theo quy định, với mức tiền lương đóng BHXH bình quân là 15,4 triệu đồng/tháng. Trong đó, gần 2 năm trước thời điểm nghỉ hưu (mức lương cơ sở khi đó là 1,15 triệu đồng), mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH hằng tháng của ông T. là 23 triệu đồng/tháng.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tại thời điểm tháng 4/2023, cả nước có 471 trường hợp có mức hưởng lương lưu từ 20 triệu đồng trở lên. Trong đó, mức hưởng từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng là 382 trường hợp; từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng là 80 trường hợp; từ 50 triệu đồng trở lên là 09 trường hợp.
Các trường hợp này đều làm việc trong các công ty tư nhân, công ty liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, có thời gian đóng BHXH theo mức lương thực hưởng bằng tiền ngoại tệ hoặc tiền đồng Việt Nam ở mức cao (trước năm 2007) hoặc theo mức tối đa bằng 20 lần mức lương tối thiểu chung/mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (từ năm 2007 trở đi).
Tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện
Số liệu của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, hiện cả nước có khoảng 3,4 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng. Trong đó có hơn 1 triệu người nhận lương hưu do ngân sách nhà nước đảm bảo, với mức lương bình quân 4,6 triệu đồng/người/tháng; hơn 2,3 triệu người nhận lương hưu do quỹ BHXH đảm bảo, với mức lương bình quân 5,6 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến, từ ngày 1/7 tới, lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng sẽ được điều chỉnh tăng bình quân 12%.
Trước con số trên, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trước năm 2007, khi chưa có trần lương tính đóng BHXH, lãnh đạo các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là công ty liên doanh với nước ngoài có mức đóng BHXH rất cao. Tuy nhiên, nhóm được đóng BHXH trên cơ sở lương cao không nhiều, chủ yếu người giữ vị trí chủ chốt, lãnh đạo của doanh nghiệp, trong khi đa số người lao động của doanh nghiệp cũng chỉ đóng theo lương cơ bản.
Thực tế này dẫn tới sự so sánh, tạo cảm giác mất công bằng ở cả đóng và hưởng chế độ, và làm tăng chi phí lao động của doanh nghiệp. Trong khi quỹ BHXH bản chất là an sinh cơ bản, nhà nước bảo hộ ở mức cơ bản. Do đó, Luật BHXH năm 2006 quy định mức trần lương tính đóng BHXH cơ bản.
“Người lao động có thu nhập cao, muốn đóng cao để sau này nhận lương hưu cao hơn có thể tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung cũng được quy định trong Luật BHXH. Phần tham gia hưu trí bổ sung này sẽ tiệm cận bảo hiểm thương mại, do các công ty quản lý quỹ triển khai, Nhà nước không can thiệp, không bảo hộ quỹ, không can thiệp vào mức đóng - hưởng. Nhà nước khuyến khích người lao động và doanh nghiệp tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện miễn giảm thuế”, ông Huân nói.
Được biết, bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện được áp dụng từ năm 2018, mức đóng, phương thức đóng, tỷ lệ hưởng lương hưu sau này do người sử dụng lao động thoả thuận với người lao động và công ty quản lý quỹ. Tới nay, Bộ Tài chính đã cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện cho 4 công ty quản lý quỹ, gồm: Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam, Công ty Quản lý quỹ đầu tư MB, Cty Quản lý quỹ SSI, Công ty quản lý quỹ Vietcombank. Các công ty quỹ này đang vận hành 5 quỹ hưu trí bổ sung, tổng giá trị tài sản ròng hơn 84,6 tỷ đồng, với 890 người tham gia.
Đề xuất đóng BHXH trên mức thu nhập thực tế
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cũng chỉ rõ nguyên tắc của BHXH là "đóng - hưởng" nên việc lương hưu thấp chính là do "mức đóng thấp". Để cải thiện vấn đề lương hưu thấp, theo bà Nga, sẽ rất khó khăn bởi khi tính toán mức đóng BHXH phải dựa trên mức thu nhập bình quân của người lao động trong xã hội.
"Đó cũng là lý do vì sao phải có trần đóng để tránh tạo ra chênh lệch BHXH trong xã hội quá lớn". Tuy nhiên, bà Nga cũng nói có thể xem xét "nới trần" với người có nhu cầu. Ngoài ra, về lâu dài có thể xây dựng các gói đóng BHXH khác nhau tùy theo thu nhập hiện tại.
Đáng chú ý, nhiều ý kiến của các chuyên gia lao động cũng cho rằng, muốn hưởng lương hưu cao thì cần đóng BHXH trên mức thu nhập thực tế của người lao động. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp hiện nay đều chia nhỏ thu nhập của người lao động và chỉ đóng BHXH trên lương thỏa thuận tại hợp đồng lao động với mức rất thấp. Việc này nhằm "trốn" đóng ở mức cao, do hiện nay doanh nghiệp phải đóng trên 14% còn người lao động là hơn 8% vào chế độ hưu trí.
Bên cạnh đó, ngoài một số giám đốc, người có thu nhập cao muốn đóng BHXH cao thì phần lớn người lao động không muốn đóng mức cao bởi số tiền trừ hằng tháng so với thu nhập của họ không hề nhỏ, nhất là với những ngành nghề lương không cao như dệt, may mặc, da giày…
Do đó, về lâu dài tổ chức công đoàn cần đóng vai trò để bảo vệ, ký được thỏa ước lao động giữa doanh nghiệp và người lao động, trong đó phải ghi rõ mức thu nhập rõ ràng để đóng BHXH.
Chính người lao động cũng phải nâng cao nhận thức, hiểu rõ việc đóng cao hơn cũng chính là quyền lợi về sau của mình được tốt hơn. Vị này cũng đồng tình việc có thể xây dựng các gói dịch vụ BHXH cao để những người có thu nhập cao lựa chọn để đóng.
Đồng quan điểm, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, phải sửa Luật BHXH. Cụ thể, muốn lương hưu tăng, phải nâng mức tiền lương tháng đóng BHXH ở mức cao hơn. Điều này không có nghĩa là tăng tỉ lệ phần trăm đóng BHXH mà đóng trên mức thu nhập có tính chất tiền lương.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nên có mức sàn lương hưu để làm sao đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người về hưu. Đây là chính sách không chỉ tạo điều kiện để người lao động được tiếp cận nhiều hơn với lương hưu mà cũng góp phần giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Nguyệt Ánh