Mới đây, BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 3512/KH-BHXH phát động Chương trình Tặng sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người có hoàn cảnh khó khăn năm 2022 và mang Tết ấm đến với người nghèo - Xuân Quý Mão. Ngay tại lễ phát động, BHXH Việt Nam cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã trao tặng hàng chục nghìn sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Trao nhân ái, lan tỏa yêu thương
Là một trong rất nhiều người được tặng thẻ BHYT, bà Lương Thị Hòa (60 tuổi, TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) cảm thấy rất vui và gửi lời cảm ơn đến ngành BHXH Việt Nam đã tạo điều kiện để được tham gia BHYT. “Trước giờ hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi vẫn chưa tham gia BHYT, nay qua Chương trình tôi được tặng tấm thẻ này, tôi sẽ sử dụng để đi khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bản thân”, bà Hòa chia sẻ.
Chị Bùi Thị Hằng (bên phải) vui vì được tặng sổ BHXH và sẽ tiết kiệm để tự tham gia trong những năm tiếp theo. |
Tương tự, chị Bùi Thị Hằng (28 tuổi, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), cho hay đã biết đến những lợi ích chính sách BHXH tự nguyện từ trước đó nên khi được tặng 1 năm tham gia BHXH tự nguyện từ Chương trình chị thấy rất vui và cho biết sẽ cố gắng tiết kiệm, chuẩn bị tài chính để tham gia trong những năm tiếp theo, giúp bản thân về già có lương hưu, thẻ BHYT.
Theo BHXH Việt Nam, chương trình trên sẽ được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện trên toàn quốc, thể hiện sự tập trung, thống nhất từ tư tưởng đến hành động của toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống BHXH Việt Nam. Chương trình dự kiến phấn đấu trao tặng 30.000 sổ BHXH, 120.000 thẻ BHYT đến người có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng 200 suất quà, góp phần mang Tết ấm đến với người nghèo nhân dịp Xuân Quý Mão 2023.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh bày tỏ mong muốn, những cuốn sổ BHXH, thẻ BHYT được trao tặng sẽ là sự khích lệ, động viên để người có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực hơn nữa, vượt qua những khó khăn trước mắt, từng bước ổn định tài chính để tiếp tục tự tham gia BHXH, BHYT cho bản thân, giúp đỡ những người khác cùng tham gia.
“Làm được như vậy là chúng ta đã lan toả và truyền thừa những giá trị tốt đẹp, nhân văn, truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh.
Nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ
Đáng chú ý để mở rộng độ bao phủ BHXH, BHYT, nhiều tỉnh đã thực hiện hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho người tham gia tự đóng ngoài mức quy định của Nhà nước.
Cụ thể, trong năm 2022, có 13/63 tỉnh hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện; 57/63 tỉnh hỗ trợ thêm từ 10-30% mức đóng BHYT cho người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 27/63 tỉnh hỗ trợ người làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp, thành viên HTX có mức sống trung bình tham gia BHYT hộ gia đình với nhiều mức khác nhau (3%, 10%, 15%, 20%-70%); 24/63 tỉnh hỗ trợ người thuộc hộ nghèo đa chiều tham gia BHYT với nhiều mức khác nhau; 28/63 tỉnh hỗ trợ thêm cho đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT theo nhiều mức (3%, 5%, 10%-30%); 19/63 tỉnh hỗ trợ người tham gia BHYT hộ gia đình với mức từ 20-30%. Ngoài ra, một số tỉnh khác còn có chính sách hỗ trợ thêm cho người tham gia BHYT là người cao tuổi (dưới 80 tuổi), người thu gom rác…
Theo đó, diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng. Số người tham gia BHXH bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên trên 16,5 triệu người vào năm 2021 (gấp 7,2 lần). Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 6 nghìn người năm 2008 lên 1,45 triệu người vào năm 2021 (gấp 241,7 lần). Số người tham gia BHTN tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên 13,4 triệu người vào năm 2021 (gấp 2,24 lần). Số người tham gia BHYT tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên 88,8 triệu người vào năm 2021 (gấp 12,5 lần), đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.
Một trong những địa phương đi đầu của cả nước trong hỗ trợ người tham gia BHXH là TP.Hà Nội. Trong thời gian từ ngày 1/8/2022 đến hết ngày 31/12/2025, người dân thuộc hộ nghèo ở Hà Nội tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ 60% mức đóng, hộ cận nghèo được hỗ trợ 50% mức đóng, người lao động bình thường được hỗ trợ 20% mức đóng (quy định chung có mức hỗ trợ lần lượt là 30%, 25% và 10%).
Bên cạnh kết quả đạt được, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận việc mở rộng độ bao phủ tham gia BHXH còn gặp nhiều khó khăn. Người dân Hà Nội thuộc hộ nghèo tham gia BHXH tự nguyện chỉ đóng tối thiểu 132.000 đồng/người/tháng; người thuộc hộ cận nghèo đóng tối thiểu 165.000 đồng/người/tháng. Các trường hợp khác cũng chỉ phải đóng tối thiểu 264.000 đồng/người/tháng, tương ứng với một ngày công của lao động phổ thông. Trong khi đó, mức sống, thu nhập của người dân Thủ đô cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, việc phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn Hà Nội lại gặp rất nhiều khó khăn.
Trước thực tế trên, Giám đốc BHXH huyện Thường Tín Trần Việt Trang kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi chính sách BHXH tự nguyện theo hướng rút ngắn thời gian đóng, bổ sung các chế độ ngắn hạn. Đối với các trường hợp khó khăn, các bên nên hỗ trợ 100% mức đóng cho họ trong suốt quá trình tham gia… Nỗ lực tạo điều kiện cho người lao động đóng BHXH chính là giúp không ai bị bỏ lại phía sau, ra khỏi hệ thống an sinh xã hội của đất nước.
Đức Hoàng