Định rút BHXH một lần, nhưng nghe lời khuyên của cán bộ BHXH và cân nhắc nhu cầu của bản thân, ông Trần Hoàng Thành (phường 7, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện đóng những tháng còn thiếu để hưởng lương hưu.
Niềm vui sau quyết định đúng đắn
Ông Trần Hoàng Thành, 61 tuổi, hồ hởi khoe mới được nhận lương hưu với mức vừa được điều chỉnh là hơn 2,1 triệu đồng/tháng. “Tôi trước công tác tại phường 2, thành phố Trà Vinh, là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường. Sau hai nhiệm kỳ, tôi nghỉ công tác năm 2019 và tổng thời gian đóng BHXH là 14 năm 8 tháng. Lúc mới nghỉ, tôi cũng có ý định rút BHXH một lần. Sau một năm theo quy định, tôi làm đơn xin rút BHXH một lần và được số tiền được rút là khoảng 90 triệu đồng. Tuy nhiên, lúc đó, chị Hồng Anh, cán bộ BHXH tỉnh tư vấn không nên rút BHXH một lần, mà chuyển sang đóng BHXH một lần để hưởng lương hưu”, ông Trần Hoàng Thành kể.
Người dân phấn khởi khi nhận lương hưu. |
Cán bộ BHXH tỉnh Trà Vinh tư vấn cụ thể cho ông Thành từng mức đóng BHXH một lần, số tiền sẽ đóng, mức hưởng khá chi tiết để cân nhắc.
“Tôi cân nhắc nhiều lần và cũng làm bài toán cụ thể thiệt hơn giữa đóng tiếp và rút BHXH một lần. Thêm vợ động viên và chia sẻ, tôi quyết định đóng tiếp ở mức 4 triệu đồng. Sau 1 năm đóng theo quý, vào tháng 10/2021, tôi quyết định đóng một lần 37 tháng còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu, với số tiền hơn 34 triệu đồng. Lúc đó, tôi bán 5 chỉ vàng và gom một phần tiền tiết kiệm để đóng đủ số tiền này và được lĩnh lương hưu từ tháng 10/2021. Nay, hàng tháng được nhận lương hưu, tôi thấy rất thoải mái vì có một khoản về già. Quan trọng hơn là có thẻ BHYT để khám chữa bệnh”, ông Trần Hoàng Thành chia sẻ.
Thống kê từ BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 10/2022, số người tham gia BHXH tại các tỉnh, thành phố đang có được đà phát triển tương đối tốt. Cả nước có khoảng 17,17 triệu người tham gia BHXH, tăng trên 90.230 người so với tháng trước; dự kiến trong 2 tháng cuối năm 2022 sẽ tăng thêm khoảng 287.000 người.
Về BHYT, cả nước có trên 87 triệu người tham gia, tăng 2,72 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian còn lại của năm 2022, nếu tích cực đôn đốc với nhóm học sinh sinh viên, hộ nông- lâm- ngư- diêm nghiệp, thành viên hợp tác xã… sẽ đạt khoảng 92% dân số tham gia BHYT. Bên cạnh đó, toàn ngành đạt khoảng 81,5% kế hoạch thu được Chính phủ giao; dự kiến sẽ đạt chỉ tiêu thu năm 2022 và tỷ lệ nợ đang cố gắng giảm ở mức thấp nhất.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ thêm cho người lao động tham gia BHXH, nhiều địa phương đang có những chính sách hỗ trợ rất lớn. Đơn cử như tại Hà Nội, người dân thuộc hộ nghèo tham gia BHXH tự nguyện chỉ đóng tối thiểu 132.000 đồng/người/tháng; người thuộc hộ cận nghèo đóng tối thiểu 165.000 đồng/người/tháng, thậm chí người dân ở một số địa phương còn không phải đóng tiền trong thời gian nhất định. Các trường hợp khác cũng chỉ phải đóng tối thiểu 264.000 đồng/người/tháng, tương ứng với một ngày công của lao động phổ thông.
Đề xuất rút ngắn thời gian đóng BHXH tự nguyện
Tuy nhiên, ngay trên địa bàn TP.Hà Nội, việc phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện trên vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Từ kinh nghiệm triển khai, Giám đốc BHXH quận Nam Từ Liêm Lê Mạnh Quân cho rằng, BHXH tự nguyện chưa thu hút nhiều người dân tham gia vì nhiều lý do. Thời gian đóng dài, hiện lên tới 20 năm, khiến người tham gia chưa nhìn rõ những lợi ích. Hơn nữa, chính sách chưa có các chế độ ngắn hạn đi kèm như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nên chưa thực sự hấp dẫn.
Về phía người tham gia, những trường hợp khó khăn thì không đủ khả năng tham gia trong hành trình dài, còn những người có thu nhập đều đặn, nếu có nhu cầu tham gia bảo hiểm, họ thường lựa chọn những gói thấy rõ lợi ích trước mắt...
Đồng quan điểm, ông Trần Việt Trang, Giám đốc BHXH huyện Thường Tín, kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi chính sách BHXH tự nguyện theo hướng rút ngắn thời gian đóng, bổ sung các chế độ ngắn hạn. Đối với các trường hợp khó khăn, các bên nên hỗ trợ 100% mức đóng cho họ trong suốt quá trình tham gia…
Trước mắt, để tạo điều kiện cho người lao động tham gia, về phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu các địa phương tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình phối hợp, kết nối dữ liệu, thực hiện các thủ tục giữa cơ quan BHXH và tổ chức dịch vụ thu.
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhận định, theo tiến độ hiện nay, dự báo toàn ngành cơ bản sẽ đạt các nhóm chỉ tiêu quan trọng. Dù vậy, tình hình phát triển số người tham gia BHXH có thể sẽ gặp khó khăn nhiều hơn tại phía Nam, nhất là các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam Bộ. Theo lĩnh vực, nhóm người lao động ngành dịch vụ, khách sạn, du lịch, nông lâm nghiệp trong khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã cũng chưa tăng được nhiều. Đây là những khó khăn cần nhận diện, để theo sát tình hình và chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp phù hợp, kịp thời.
Nguyệt Nga