Báo cáo giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) giai đoạn 2016 - 2021 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội phục vụ kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV cho thấy đến năm 2021, số người tham gia BHXH đạt khoảng 16,5 triệu người, chiếm khoảng 33,8% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số tham gia BHXH bắt buộc là 15,09 triệu người, tự nguyện là 1,45 triệu người. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 13,39 triệu người; số đơn vị tham gia BHXH đã tăng từ 334.000 lên gần 614.000.
Tỷ lệ bao phủ còn thấp
Vấn đề cần quan tâm, theo cơ quan giám sát là đến hết năm 2021, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mới đạt 33,8% lực lượng lao động trong độ tuổi, lực lượng trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp mới đạt 29,76%. Kết quả giám sát cho thấy, số thu BHXH năm 2021 đạt hơn 269,1 nghìn tỷ đồng, so với năm 2016 tương ứng với số tăng đối tượng là 26,74% và tăng thu đạt tỷ lệ 53,26%.
Cần có giải pháp quyết liệt, kịp thời để nâng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT. |
Trong đó, mức lương bình quân tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc năm 2021 xấp xỉ 5,7 triệu đồng, tăng 32% so với năm 2016. Tuy nhiên, tính theo giai đoạn thì mức tăng hàng năm cũng chỉ khoảng 6% (đã loại trừ năm 2021 không tăng tiền lương). "Như vậy, mức tăng chỉ tương ứng với mức tăng lương tối thiểu vùng", Cơ quan giám sát nêu nhận định.
Mặt khác, mức lương bình quân tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện năm 2021 là gần 1,3 triệu đồng, giảm gần 40% so với năm 2016. Báo cáo giám sát của Ủy ban Xã hội cũng lưu ý, đối với nhóm tham gia BHXH bắt buộc, so với năm 2016, tỷ lệ tăng đối tượng là 17,47% và tỷ lệ tăng thu là 51% (gần gấp 3 lần so với tỷ lệ tăng đối tượng). Tuy nhiên, nhóm tham gia BHXH tự nguyện so với năm 2016 dù đều có xu hướng tăng rất nhanh cả về đối tượng và số thu nhưng về xu hướng tỷ lệ thì hoàn toàn ngược lại, tỷ lệ tăng đối tượng tham gia đạt 611,15%, nhưng tỷ lệ tăng thu chỉ ở mức 412,2%.
Uỷ ban Xã hội băn khoăn về mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện năm 2021 đang thấp hơn mức chuẩn nghèo và có xu hướng ngày càng giảm. "Như vậy, về nguyên lý và theo các quy định hiện nay, các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện sau khi đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí thì nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục cần sự hỗ trợ của nhà nước do lương hưu được hưởng sẽ thấp hơn mức sống trung bình của địa phương", cơ quan giám sát nhấn mạnh.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt khoảng 38%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 31%. Thực hiện tốt công tác dân số, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 92% dân số.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, công tác an sinh xã hội cần được quan tâm hơn. Theo đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị bổ sung đánh giá việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là những tổn thương do dịch COVID-19 gây ra cũng như các khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (thiếu quỹ đất; tiếp cận vốn khó khăn, nhất là với các nguồn vốn ưu đãi; quy trình thủ tục rườm rà, kéo dài…).
Lo ngại người dân gặp khó khăn
Đáng chú ý, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra, tỷ lệ bao phủ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp, có tình trạng tỷ lệ người dân tham gia BHYT đang bị chững lại và giảm đột ngột trong năm 2022, ước tính đến 30/9/2022, tỷ lệ bao phủ BHYT chỉ đạt 87,42% dân số, để hoàn thành được chỉ tiêu về bảo hiểm y tế, cần một sự quyết tâm rất lớn từ Chính phủ.
“Đây là nhiệm vụ và là vấn đề cấp bách cần quan tâm vì sau hơn 02 năm diễn ra đại dịch COVID-19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân tăng rất cao. Việc không có BHYT sẽ khiến nhiều người dân, nhất là người dân tộc thiểu số, lao động phi chính thức, nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe, ảnh hưởng đến thu nhập của hộ gia đình và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị báo cáo rõ hơn về tình trạng rút BHXH một lần; tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ pháp luật về BHXH tiếp tục không có nhiều cải thiện, nhất là với nhóm doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Theo thống kê, tình hình chậm đóng, trốn đóng như sau: Năm 2018 tổng tiền là 7.308 tỷ đồng, năm 2019 tổng tiền là 7.480 tỷ đồng, năm 2020 là 9.221 tỷ đồng, năm 2021 là 10.233 tỷ đồng.
Thực tế, những băn khoăn trên đã từng được nhiều chuyên gia an sinh chỉ ra. TS Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, lo ngại việc còn khoảng 60% lực lượng lao động chưa tham gia BHXH và BH thất nghiệp mà chủ yếu là người lao động khu vực phi chính thức. Người lao động khi về già sẽ không có lương hưu, khi thất nghiệp, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không được hỗ trợ bảo hiểm.
Theo tính toán, với tốc độ già hóa dân số hiện nay, nếu không nỗ lực mở rộng bao phủ BHXH thì đến 2030, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ có 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.
Theo đó, TS Lâm Văn Đoan nhấn mạnh, việc không tham gia BHXH, BHYT sẽ khiến nhiều người dân, nhất là người dân tộc thiểu số, lao động phi chính thức, nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe, ảnh hưởng đến thu nhập của hộ gia đình. Do vậy, cần có giải pháp quyết liệt, kịp thời để nâng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT.
Mai Trâm