Mới đây, Hiệp hội Taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM cùng có đơn kiến nghị Quốc hội về việc hơn 120.000 tài xế của Grab không được đóng BHXH (bảo hiểm xã hội).
Thiệt thòi thấy rõ
Cụ thể, cả ba hiệp hội taxi nhận định, hiện nay, Grab có khoảng 120.000 - 130.000 tài xế trên toàn quốc, nhưng hầu hết đều không được đóng BHXH, ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội.
Hàng trăm nghìn lái xe công nghệ chưa được đóng BHXH. |
Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, hàng trăm nghìn tài xế của Grab đã bị ảnh hưởng, không có thu nhập nên phải nằm trong diện được Chính phủ trợ cấp. Như vậy, có thể thấy rằng, Grab đang kinh doanh, thu lợi nhuận nhưng trách nhiệm an sinh xã hội lại đẩy cho Nhà nước - là lỗ hổng pháp lý cần được quản lý chặt chẽ để ngân sách không bị thất thoát.
Hiện nay, hàng trăm nghìn tài xế chạy Grab hầu như không ai được tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, trong khi đây là nghề nguy hiểm, thường xuyên đối diện rủi ro trên đường. Một trong những vấn đề vướng mắc chính là việc Grab luôn coi các tài xế là “đối tác”, nhưng hàng ngày các tài xế - người lao động đều phải tuân thủ các chỉ dẫn của Grab về phân chia “cuốc” chạy, về xử lý kỷ luật lao động, cũng như về an toàn, đồng phục, giờ giấc… thể hiện rõ mối quan hệ lao động tại doanh nghiệp.
Theo ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM, TP.HCM hiện có khoảng 2.000 tài xế taxi công nghệ không tham gia đóng BHXH bắt buộc và đang chịu thiệt thòi. Một số hãng taxi cũng chuyển sang hình thức giao khoán, theo dạng hợp đồng khoán xe, phân chia thu nhập theo tỷ lệ, nên có một số lượng lớn tài xế cũng không được đóng BHXH bắt buộc.
Điều này đồng nghĩa với việc những người này không được hưởng các chế độ như hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, tử tuất và đặc biệt là trợ cấp thất nghiệp. Trước đây, nhiều người không quan tâm lắm vì lương hưu là chuyện tương lai xa. Nhưng đại dịch xảy ra, bị thất nghiệp, người không tham gia BHXH bắt buộc mới thấy thiệt thòi ngay trước mắt khi không có bất cứ một khoản trợ cấp nào, nhất là với người làm những công việc bấp bênh, không có tích lũy.
Đưa vào diện đóng BHXH bắt buộc
Do vậy, mục tiêu của BHXH TP.HCM là đưa các nhóm tài xế xe công nghệ, tài xế làm theo hợp đồng khoán xe vào diện đóng BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định pháp luật để thực hiện. "Thời gian qua, chúng tôi đã vận động các tài xế tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng sẽ bằng 22% mức thu nhập hằng tháng do người tham gia lựa chọn, tối thiểu bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng", ông Mến cho biết.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, mối quan hệ giữa lái xe và đơn vị cung cấp phần mềm là mối quan hệ hợp đồng lao động chứ không phải là đối tác như hiện nay. Lái xe sẽ trở thành người lao động của doanh nghiệp, được ký hợp đồng lao động, đóng BHXH cho lái xe theo đúng Luật Lao động.
Liên quan tới vấn đề này, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 12 hướng dẫn, làm rõ hơn những quy định về kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ theo Nghị định 10. Theo đó, các đơn vị cung cấp phần mềm phải chấp hành các điều kiện về kinh doanh vận tải. Trong mối quan hệ với tài xế, đơn vị cung cấp phần mềm sẽ là người sử dụng lao động, lái xe sẽ trở thành người lao động của doanh nghiệp, được ký hợp đồng lao động, đóng BHXH.
Theo BHXH Việt Nam, đến hết tháng 11/2020, toàn quốc có trên 15,88 triệu người tham gia BHXH (đạt 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi), trên 13,18 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (đạt 26,7% lực lượng lao động trong độ tuổi); số người tham gia bảo hiểm y tế là trên 87 triệu người (đạt tỷ lệ bao phủ 89,2% dân số).
Lãnh đạo BHXH Việt Nam yêu cầu, các đơn vị chủ động, tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng, kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị nợ đọng, đơn vị chưa tham gia BHXH hoặc tham gia chưa đủ số lao động; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; trường hợp cố tình vi phạm kéo dài, củng cố hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, phấn đấu giảm số tiền nợ phải tính lãi của toàn ngành năm 2020 xuống mức thấp nhất.
Thy Lê