Theo báo cáo từ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2020, số người tham gia BHXH tự nguyện là 891.500 người.
Người dân vẫn chưa mặn mà
Trong đó, một số địa phương đã đạt và vượt chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện do BHXH Việt Nam giao, như: Long An đạt 144,3%, Hậu Giang 136,1%, Vĩnh Long 130,7%, Quảng Trị 120%, Đắk Nông 113%...
Cần sửa đổi chính sách BHXH tự nguyện để tăng sức hấp dẫn của loại hình an sinh này. |
Tuy nhiên, tại một số địa phương, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vẫn chưa đạt hiệu quả cao, thậm chí có tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện thấp như: Hải Phòng 24,6%, Bà Rịa-Vũng Tàu 35,6%, Thừa Thiên-Huế 41,9%, TP.HCM 42,7%, Hà Nội 44,6%...
Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến số đối tượng tham gia, số thu và nợ tại các địa phương chưa đạt kế hoạch một phần do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung vừa qua, còn do một số BHXH tỉnh chưa thật sự nỗ lực, còn thụ động, chưa bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam... Mặt khác, tính hấp dẫn của chính sách BHXH cũng chưa thực sự đáp ứng được nguyện vọng của người tham gia.
Theo ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), Việt Nam được quốc tế đánh giá đang là quốc gia có tỷ lệ thụ hưởng chính sách BHXH tự nguyện cao so với khu vực. Tuy nhiên, xét về mức độ hấp dẫn, việc chỉ quy định thực hiện với 2 chế độ hưu trí và tử tuất với thời gian đóng góp kéo dài dẫn tới việc người dân ngại chờ đợi, nên không mặn mà tham gia BHXH tự nguyện.
Do đó, ngoài quyền lợi dài hạn, BHXH tự nguyện cần thiết phải có các chế độ ngắn hạn, có thể nhìn thấy trước mắt để thu hút người tham gia.
"Việc ít người quan tâm đến BHXH tự nguyện có cả lý do khách quan và chủ quan. Có thể kể ra như, công tác tuyên truyền chưa thực sự tạo niềm tin cho người dân; điều kiện, khả năng thu nhập còn thấp; điều kiện để người dân tiếp nhận chính sách chưa được đầy đủ. Tóm lại, chính sách ưu việt rồi nhưng phải gắn được với nhu cầu, mong đợi của người dân", ông Nam nhìn nhận.
Đề xuất sửa đổi chính sách
Theo ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ - Thẻ, BHXH Việt Nam, người tham gia BHXH tự nguyện đang có nhiều phương thức đóng để lựa chọn: Hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, một lần cho nhiều năm về sau (tối đa 5 năm). Đặc biệt, nếu đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để nghỉ hưu từ tháng sau tháng đóng đủ một lần cho những năm còn thiếu.
Để gia tăng tính hấp dẫn, BHXH Việt Nam đã đề xuất với Chính phủ và Quốc hội sửa đổi chính sách và cải thiện công tác tổ chức thực hiện nhằm tăng sức hấp dẫn của loại hình an sinh này. Cụ thể, tạo điều kiện về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm và tiến tới xuống còn 10 năm, kết hợp với điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu.
Bên cạnh đó, quy định điều chỉnh tăng và linh hoạt hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện (nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại) để tăng mức độ hấp dẫn, khuyến khích tăng số người tham gia BHXH tự nguyện.
Đồng thời, quy định điều kiện về tuổi để được hưởng lương hưu giữa nam và nữ cho phù hợp để khuyến khích người nông dân, người lao động khu vực phi chính thức là nam giới tham gia BHXH tự nguyện.
Tương tự, ông Trần Chí Trung, Trưởng ban Dịch vụ Tài chính Bưu điện, Tổng công ty Bưu Điện Việt Nam, cũng kiến nghị xem xét đến điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới 10 năm với mức hưởng phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận chính sách.
Đặc biệt, nên bổ sung thêm quyền lợi cho người tham gia như: ốm đau, thai sản... trong quá trình đóng. Hiện nay tại các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố lớn, lực lượng lao động tự do, lao động phi chính thức có số lượng lớn, chính là lực lượng mà BHXH tự nguyện hướng đến.
Thy Lê