Những năm qua, việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã và đang góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất lao động người nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực là những nguy cơ tai nạn đe dọa sức khỏe, tính mạng người lao động.
Chú trọng sức khỏe, tính mạng con người
Để giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, những năm gần đây, HTX đã cùng UBND xã đã mạnh dạn đưa cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, cấy lúa đến thu hoạch. Đến nay, HTX đã có trong tay các loại như: máy làm đất, máy cấy bằng giàn kéo tay, máy gặt đập liên hợp. Tuy nhiên, việc sử dụng máy đa phần do nông dân tự truyền dạy cho nhau, chưa chú ý đến an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Hầu hết nông dân cũng chưa được đào tạo qua các lớp an toàn lao động, vì vậy, họ chỉ làm theo thói quen, không lường trước được những nguy hiểm có thể xảy ra.
HTX đẩy mạnh cơ giới hóa, chú trọng an toàn sản xuất |
Nhận thức được điều đó, trong quá trình sản xuất, HTX Hà Bao 1 đã liên kết chặt chẽ với đơn vị chế tạo máy móc về hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật vận hành máy móc cho thành viên và người dân.
Hàng năm, HTX đều phối hợp với các cấp trên địa bàn mở lớp tập huấn công tác VSATLĐ và sử dụng máy móc nông nghiệp cho thành viên HTX. Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức về công tác ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân là điều không hề dễ dàng vì người dân dù được tập huấn nhưng vẫn chưa thấy hết tác hại, sự nguy hiểm của việc không đảm bảo ATVSLĐ đến sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Chính vì vậy, những quy định như bắt buộc nắm được các quy tắc vận hành máy, sử dụng bảo hộ, phụ xịt thuốc đúng cách… đều được HTX đưa vào nội quy, nếu ai không tuân thủ sẽ bị phê bình, phạt tiền và đánh giá sản xuất không hiệu quả.
Chính vì vậy, ý thức về ATLĐ của thành viên và người dân dần được nâng cao. Mọi người đã chú trọng đến sức khỏe, tính mạng của chính mình trong quá trình tham gia sản xuất.
Không trông chờ thương lái
Mới đây nhất là HTX đã liên kết với công ty chế tạo máy cấy, thực hiện hướng dẫn thành viên sử dụng máy cấy an toàn, hiệu quả trên diện tích 5.000m2.
Sử dụng máy móc an toàn không chỉ bảo đảm sức khỏe người nông dân mà còn giúp nâng cao năng suất, chất lượng. Nếu như trên cùng một diện tích, lúa được cấy theo kiểu truyền thống với 10 lao động mất khoảng hơn 5 giờ để hoàn thành, chi phí nhân công hơn 1.200.000 đồng thì trên cùng diện tích đó, khi cấy bằng máy, HTX chỉ mất khoảng 1giờ, công cấy khoảng 250.000 đồng.
Bên cạnh đó, việc áp dụng máy cấy lúa, ngoài giảm lượng giống, nông dân còn không tốn tiền phun thuốc diệt mầm, không lo bị lẫn lộn lúa của vụ trước. Đặc biệt, cách này còn giúp né được rầy nâu ở giai đoạn nửa tháng đầu… nên hạn chế dịch bệnh hại cây lúa.
Ông Huỳnh Trung Thu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hà Bao 1, cho biết: HTX xác định việc sử dụng máy móc là rất cần thiết cho sản xuất của thành viên cũng như hướng đến mục đích làm dịch vụ cho nông dân ngoài HTX khi có nhu cầu.
Ứng dụng cơ giới hóa cũng giúp HTX thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng “3 giảm, 3 tăng” và hướng đến “1 phải, 5 giảm” một cách thuận tiện hơn, mang lại những giá trị kinh tế, môi trường, an toàn lao động lớn hơn.
Nếu như nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh phải vất vả vì trông chờ thương lái đến thu mua lúa nhưng ở HTX thì khác, niềm vui đã đến với các thành viên và các hộ liên kết khi ký hợp đồng với doanh nghiệp. Cảnh đứng bên đường chờ đợi thương lái sau mỗi vụ gặt đã không còn.
Từ kinh nghiệm thực tiễn những năm qua, các thành viên HTX cho rằng nông dân vào HTX không chỉ đơn thuần tiêu thụ lúa được dễ dàng mà còn hưởng lợi từ nhiều mặt khác. Nhận thấy lợi ích từ khi trở thành thành viên HTX nên thời gian qua có rất nhiều nông dân tự nguyện làm đơn xin tham gia. Số thành viên đã lên con số hàng trăm.
Huyền Trang