Tuy nhiên, việc đầu tư các loại máy móc sử dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương còn nhiều bất cập, khiến nông dân phải đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình lao động.
Rủi ro từ sản xuất không an toàn
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn lao động (ATLÐ), một trong những nguyên nhân khiến tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp xảy ra là do trình độ nhận thức của người nông dân về vấn đề ATLÐ còn hạn chế. Nhiều người dân không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân khi tiếp xúc với thuốc BVTV, vứt vỏ chai, bao chứa thuốc tại đồng ruộng. Lượng thuốc BVTV sử dụng vượt mức khuyến cáo.
Phần lớn máy móc, thiết bị nông nghiệp đưa vào sử dụng thiếu các bộ phận che chắn an toàn, trong khi nhiều người lao động chưa hiểu rõ và chưa nắm được các nguyên tắc về an toàn trong sử dụng điện và máy móc nông nghiệp. Đa phần người nông dân chỉ làm theo kinh nghiệm hay thói quen. Nếu được hướng dẫn sử dụng cũng không bài bản nên hiệu quả sử dụng máy móc không cao, ATLĐ chưa được chú trọng. Chính vì vậy mà tình trạng ngộ độc thuốc sâu, bị máy cắt đứt ngón tay, hay bị mảnh sành đâm vào chân là chuyện không hề hiếm gặp.
Bên cạnh đó, vì sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu kinh phí và ý thức chưa cao nên vấn đề ATLÐ trong sản xuất nông nghiệp cũng chưa được chính quyền địa phương và ngành chức năng quan tâm đúng mức. Công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về vệ sinh, ATLÐ chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên…
Đặc biệt là việc sử dụng các loại hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu, sử dụng điện và máy móc… một cách thiếu khoa học, không an toàn trong sản xuất nông nghiệp đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe, tính mạng và tài sản của người nông dân.
Ðể hạn chế tai nạn, tránh được những rủi ro cho nông dân khi tham gia sản xuất nông nghiệp, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần nâng cao nhận thức cho người nông dân khi tham gia sản xuất nông nghiệp; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV, hướng dẫn quy trình, nguyên tắc vận hành máy móc, thiết bị đúng cách, đúng liều lượng, thời gian quy định.
Hiện nay, nhiều địa phương và nhiều đơn vị sản xuất đã chú trọng sản xuất an toàn, chú trọng đến ATLĐ trong sản xuất nông nghiệp nhằm phát huy hiệu quả, giá trị của nền nông nghiệp hiện đại, bảo đảm được sức khỏe, tính mạng của người lao động trực tiếp cũng như người tiêu dùng.
Chú trọng ATLĐ
Là mô hình sản xuất chú trọng trọng theo chiều sâu, HTX Thương mại dịch vụ chế biến nông sản Hạnh Cường (Hà Tĩnh) đã đầu tư máy móc vào sản xuất và chế biến lúa gạo theo chuỗi giá trị.
Đáng chú ý là HTX đã đầu tư dây chuyền xay xát, chế biến gạo quy mô, hiện đại. Đây không chỉ là cách giúp bà con tiêu thụ nông sản mà còn nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người lao động giải phóng sức lao động.
![]() |
HTX chú trọng an toàn lao động trong sản xuất |
Để nâng cao ý thức và hiểu biết về ATLĐ, vệ sinh lao động (VSLĐ) trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, HTX đã phối hợp với Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn máy, thiết bị nông nghiệp tổ chức lớp huấn luyện ATLĐ, VSLĐ để huấn luyện cho người lao động, thành viên tại HTX và trên địa bàn nhằm giúp mọi người nâng cao ý thức về ATLĐ, sử dụng các loại máy móc hiệu quả, an toàn, nâng cao được giá trị sản xuất và bảo vệ được sức khỏe con người.
Nhờ chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm từ sản xuất đến chế biến tiêu thụ và quan tâm đến ATLĐ, VSLĐ, từ chỗ chỉ sản xuất ở mặt bằng 150m2 với 1 dây chuyền công suất 3 tấn/giờ, HTX đã mở rộng quy mô kho bãi hơn 600 m2 với hệ thống băng chuyền hiện đại. Tổng mức đầu tư kho bãi khoảng hơn 2 tỷ đồng. Đến nay, HTX cũng chuẩn bị lắp đặt dây chuyền xay lúa ra gạo thành phẩm công suất lớn nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hạt gạo.
Không chỉ là “bà đỡ” giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản, HTX Hạnh Cường còn tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động với mức thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng. Hoạt động thu mua và chế biến của HTX đưa về doanh thu hơn 60 tỷ đồng/năm. Đây cũng là đơn vị đi đầu của Hà Tĩnh trong việc bảo đảm an toàn VSLĐ trong sản xuất nông nghiệp.
Thành công của HTX chính là sự chung tay, hợp sức của các thành viên, người lao động cũng như sự liên kết chặt chẽ của HTX với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, giải quyết bài toán khó khăn về đầu ra hiện nay.
Như Yến