Dù là xã vùng núi, nằm xã trung tâm, đường giao thông khó khăn bởi rừng rậm và đồi núi, nhiều bản làng ở Núa Ngam vẫn còn giữ nguyên nét sinh hoạt truyền thống với những sản phẩm thổ cẩm. Trong mỗi nếp nhà sàn, những người phụ nữ dân tộc Lào vẫn dành thời gian cho khung cửi như một thói quen từ bao đời truyền lại. Họ dệt váy, áo, túi xách, khăn, chăn… để sử dụng trong đời sống hàng ngày, các dịp lễ hội, ngày tết, cưới hỏi...
Tâm huyết với nghề
Để có được những điều đó là sự đóng góp công sức không nhỏ của nghệ nhân Lò Thị Viên. Tâm huyết với nghề dệt truyền thống, chị đã thổi lên “lửa” đam mê dệt của chị em trong xã, góp phần gìn giữ nghề dệt thổ cẩm Lào ở Điện Biên.
Nhiều người thoát nghèo nhờ tham gia HTX Na Sang 2 |
Nghệ nhân Lò Thị Viên là người dân tộc Lào, ở bản Na Sang 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên. Niềm yêu thích nghề dệt thổ cẩm trong chị lớn dần theo năm tháng. Đôi bàn tay khéo léo của chị đã dệt nên không biết bao nhiêu sản phẩm thổ cẩm tinh tế, độc đáo mang đậm bản sắc của dân tộc Lào.
Ở bản Na Sang 2 này, phụ nữ ai cũng biết quay sợi dệt vải từ khi còn bé. Dù thị trường phát triển nhưng người dân nơi đây vẫn giữ thói quen dệt vải bằng khung dệt theo cách ông bà truyền lại. Công đoạn tốn nhiều thời gian nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có”- nghệ nhân Lò Thị Viên chia sẻ.
Nghệ nhân Lò Thị Viên cũng cho biết, đã có thời điểm, nghề dệt thổ cẩm đứng trước nguy cơ mai một do lớp trẻ chẳng mấy người biết dệt, sản phẩm thủ công làm ra chưa được coi là một loại hàng hóa thực sự. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu tiêu dùng thay đổi.
Trước thực tế đó, dưới sự hỗ trợ của các đơn vị, HTX dệt thổ cẩm Na Sang 2 ra đời nhằm gắn kết những người có nghề trên địa bàn cùng phát triển theo hướng hàng hóa. Điều thuận lợi là HTX được hỗ trợ công cụ sản xuất là các khung dệt thủ công và tìm kiếm đơn đặt hàng nên các thành viên đều cảm thây tự tin hơn.
Để giúp các thành viên làm việc hiệu quả, ngoài truyền nghề truyền thống, chị còn đi học nâng cao về quản lý HTX để hướng dẫn thành viên hoạt động hiệu quả. Trước kia, mọi người thường dệt tràn lan, thích gì dệt nấy. Từ khi tham gia HTX, công việc nhiều hơn, nên thành viên và các chị em phải làm việc cả ngày, đến đêm muộn để kịp cung ứng sản phẩm.
Khi đi vào sản xuất một thời gian, nghệ nhân Lò Thị Viên nhận thấy nếu cứ làm riêng lẻ thì năng suất và hiệu quẩ thấp, chỉ có làm theo dây chuyền thì mới hiệu quả. Chính vì vậy, chị đã chia các thành viên thành các nhóm, mỗi nhóm đảm nhận từng phần việc gồm may, dệt và thêu, đóng gói...
Tất cả làm việc trong nhà xưởng, đảm bảo về trang thiết bị. Nếu như trước đây, sản phẩm thổ cẩm chỉ bó gọn trong các sản phẩm may mặc như chăn, màn, khăn, gối, quần áo... thì bây giờ, do nhu cầu của khách, HTX đã có thêm những sản phẩm mới như túi xách, giày, dép, thú nhồi bông và những vật lưu niệm nhỏ.
Hiện nay, tại HTX đã có nhiều công nhân tay nghề cao, tự thiết kế ra những sản phẩm mẫu mã đẹp đáp ứng được thị hiếu của khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong sáng tạo sản phẩm, HTX chủ trương kế thừa, phát huy những tinh túy trong hoa văn thổ cẩm truyền thống. Nổi bật trong nghề dệt thổ cẩm ở địa phương được làm từ sợi bông tự nhiên, tuân thủ phương pháp sản xuất bằng tay từ kéo sợi, nhuộm mầu đến dệt vải, đòi hỏi sự kỳ công, máy móc chỉ hỗ trợ ở công đoạn hoàn thiện sản phẩm.
“Ở bản Na Sang 2 này, giò đây, phụ nữ ai cũng tích cực dệt vải. Dù thị trường phát triển nhưng người dân nơi đây vẫn giữ thói quen dệt vải bằng khung dệt theo cách ông bà truyền lại. Công đoạn tốn nhiều thời gian nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có”- nghệ nhân Lò Thị Viên chia sẻ.
Hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo
Tuy nhiên, để có được HTX với những người phụ nữ cần mẫn hoạt động bên khung cửi như hiện nay là cả một hành trình gian nan bởi HTX đã từng khó khăn về đầu ra, các công đoạn dệt không đồng đều, mẫu mã chưa phong phú…
Nhưng với tinh thần học hỏi không ngừng luôn đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển thương hiệu thổ cẩm của dân tộc Lào cùng với sự giúp đỡ về đầu ra của Liên minh HTX, Hội Phụ nữ các cấp đã tìm thêm nhiều mối hàng mới ở các thị trường lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và khuyến khích sự sáng tạo của chị em, sản xuất những sản phẩm khó theo đơn đặt hàng của khách, ngoài ra HTX còn tham gia nhiều triển lãm sản phẩm hàng thủ công, mỹ nghệ, xây dựng lô gô, mở rộng thị trường tiêu thụ... từ đó giúp cho sản phẩm ngày càng tăng về chất lượng và số lượng, doanh thu tăng lên từng năm.
Đặc biệt về Núa Ngam những ngày này, dù núi rừng vẫn chìm trong sương sớm thì mọi người đã nhộn nhịp tiếng thoi đưa. Các thành viên HTX và người dân nới đây như đang chạy đua với thời gian, công việc để chuẩn bị cho dịp Tết đến, Xuân về.
Chị Lò Thị Viên cho biết, vào dịp gần Tết, nhu cầu sử dụng vải thổ cẩm của người dân nhiều hơn nên các khung cửi của HTX và những hộ vệ tinh phải hoạt động hết công suất. Bên khung cửi, người dân mắc thêm đèn điện chiếu sáng để tranh thủ thời gian dệt vải. Đêm xuống, tiếng thoi vẫn vọng đều trong thung lũng, một góc bản làng bừng sáng nơi biên cương.
Nhờ hoạt động ổn định, hiệu quả, nghề dệt nơi đây dần phát triển và giúp bao người có việc làm và có thêm thu nhập. Mức thu nhập dao động 3-6 triệu đồng/người/tháng đã giúp bao người bớt đi gánh nặng cơm áo gạo tiền, có hộ nhờ dệt vải, thêu chăm chỉ mà thoát nghèo. Hiện HTX không chỉ tạo việc làm cho thành viên mà còn nhận đào tạo nghề, sau đó nhận học viên vào làm việc. Trung bình HTX đã tạo việc làm cho 50 phụ nữ.
Sau những ngày vất vả ngược xuôi tìm thị trường của chị Viên và được sự hỗ trợ tận tình của các sở, ngành trong tỉnh Điện Biên, sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX dệt thổ cẩm Na Sang 2 đã có những đơn đặt hàng từ nhiều nơi. Cùng với sự hỗ trợ của các sở, ngành trong tỉnh Điện Biên, nghệ nhân Viên đã tích cực trong quảng bá các sản phẩm thổ cẩm qua internet, các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh…
Nghệ nhân Viên cho biết dù công việc có bận rộn đến mấy nhưng chị luôn ý thức được việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa của cộng đồng dân tộc mình qua các công việc kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm và truyền dạy cách thức thêu dệt hoa văn cho phụ nữ trong bản. Việc này không chỉ giúp lưu truyền, phát triển nghề truyền thống mà còn là chỗ dựa để các chị em phụ nữ giảm nghèo vì ở một góc độ nào đó, những sản phẩm thổ cẩm vẫn có chỗ đứng trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng.
Huyền Trang