Mô hình sản xuất khoai tây an toàn đang mở ra một hướng đi mới |
Liên kết chặt chẽ
Mô hình liên kết trồng khoai tây an toàn xã Thanh Hải đang được triển khai tại thôn Tri Xuyên, thu hút hàng chục hộ nông dân, sản xuất trên tổng diện tích hơn 5 ha.
Theo các hộ dân địa phương, vùng sản xuất khoai tây nằm ven sông Đáy, trước đây triển khai các loại cây truyền thống như đậu, lạc, ngô… tuy nhiên, diện tích bình quân mỗi hộ chỉ rộng chưa đầy 1 sào đất, dẫn đến tình trạng manh mún, cộng thêm công nghệ lạc hậu khiến hiệu quả rất thấp.
Do đó, sự xuất hiện của mô hình trồng khoai tây có liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp đang mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho người dân trên địa bàn xã Thanh Hải.
Hiện, 100% diện tích sản xuất trong dự án được trồng giống khoai tây Hà Lan Actrice do công ty cổ phần GVA (Hà Nội) cung ứng. Giống khoai Actrice được đánh giá cao về chất lượng, năng suất và đặc biệt phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn đất, nguồn nước, khí hậu tại địa phương.
Liên kết với doanh nghiệp giúp người dân trồng khoai giải hết “bài toán” thị trường, không còn lo đầu ra mà dành toàn bộ thời gian, tâm sức để phát triển sản xuất an toàn, tuân thủ quy định về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chất lượng, năng suất sản phẩm.
Thị trường ổn định, giá cả luôn đảm bảo ở mức 5 – 7 nghìn đồng/kg, có điều chỉnh theo giá thị trường những luôn cao hơn 10 – 15%, hiệu quả sản xuất khoai tây của các hộ tham gia mô hình luôn được đảm bảo, giá trị bình quân đạt 3,5 – 5 triệu đồng/sào/vụ.
Nhờ sản xuất an toàn, khoai tây có chất lượng cao |
Đầu tư trọng điểm
Bà Nguyễn Thị Xuyến – thành viên tham gia mô hình liên kết trồng khoai tây, chia sẻ: “Trước đây, nhà tôi chủ yếu trồng ngô và lạc, sản xuất nhỏ lẻ nên sau khi trừ chi phí, tôi chỉ thu về 500 – 600 nghìn đồng/sào/vụ. Chưa kể sản xuất lạc hậu gây hệ quả nghiêm trọng về môi trường, ATLĐ”.
Kể từ khi tham gia mô hình, bà Xuyến cùng các thành viên được hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn, hiện đại, tập huấn sử dụng máy móc, nông cụ, quy định về ATLĐ, giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, đồng thời, hạn chế rủi ro tai nạn lao động, nâng cao sức khỏe trong quá trình canh tác.
“Bên cạnh tăng giá trị sản xuất lên 2 – 3 lần, sản xuất khoai tây theo hướng an toàn giúp chúng tôi giảm công lao động, không cần quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Đến vụ thu hoạch có doanh nghiệp đến tận nơi bao tiêu, không còn lo cảnh “được mùa dội chợ”, ai cũng rất mừng”, bà Xuyến vui mừng cho hay.
Hiệu quả của mô hình liên kết trồng khoai tây đang được xã Thanh Hải đặc biệt quan tâm và dành nhiều nguồn lực đầu tư. Toàn bộ diện tích trong mô hình đang được hỗ trợ 100% chi phí phân bón, tiền giống, còn lại do người dân đóng góp.
Xã đang tích cực khuyến khích các hộ mở rộng diện tích sản xuất theo hướng an toàn, chú trọng ATLĐ, vệ sinh thực phẩm để nâng cao chất lượng, gia tăng sức cạnh tranh. Xã cũng hướng tới mục tiêu mở rộng diện tích trên toàn địa bàn.
Ông Lý Ngọc Hội – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tham Liêm, cho biết: “Mô hình trồng khoai tây đang tạo sức lan tỏa mạnh. Xuất phát điểm với chỉ 2 ha, đến nay mô hình đã mở rộng lên hơn 5 ha. Mô hình không chỉ thể hiện tính ưu việt về giá trị kinh tế mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân tại địa phương”.
Sáu Ngạn