Xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) có hơn 1.600 hộ và gần 8.000 nhân khẩu. Năm 2020, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt gần 100%. Tuy nhiên, năm 2021, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Chiềng Khoang chuyển xuống xã khu vực I, nên hàng trăm hộ dân không được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua BHYT. Vì vậy, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn giảm mạnh.
Xóa bỏ tư tưởng trông chờ Nhà nước cho thẻ BHYT
Trước khó khăn này, xã Chiềng Khoang cùng Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Quỳnh Nhai đã đến từng bản tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, tính nhân văn của chính sách BHYT hộ gia đình, quyền và lợi ích khi tham gia; mức đóng, mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước... Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, nhân viên đại lý thu BHYT xã trực tiếp tuyên truyền, vận động người thân, anh em tham gia mua BHYT hộ gia đình. Bằng những cách làm sáng tạo, thiết thực trong việc đưa chính sách BHYT hộ gia đình, đến nay tỷ lệ người dân tham gia BHYT xã Chiềng Khoang đạt 61,5%.
|
Ngành BHXH phấn đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc năm 2022 là 92,6%. |
Cũng như Sơn La, theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 131), từ ngày 1/1/2022, người dân tại 29 xã của tỉnh Bến Tre không còn được hỗ trợ cấp thẻ BHYT miễn phí.
Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 3/2022, trong thời gian chờ phê duyệt xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 353/QĐ-TTg), toàn tỉnh đã có hơn 50% các xã bãi ngang, tương đương hơn 100.000 người dân chủ động tiếp tục tham gia BHYT hộ gia đình.
Là Tổ trưởng Tổ Tự quản số 6 của ấp Thành Thái (xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri), ông Cao Văn Bảnh không chỉ tiên phong trong việc tham gia BHYT cho cả gia đình mình, mà còn tích cực vận động, kêu gọi 25 hộ dân trong Tổ cùng tham gia. Hiểu rõ khả năng kinh tế của từng gia đình, ông đã có những cách tư vấn hiệu quả để bà con có thể tham gia BHYT một cách dễ dàng hơn.
Ông Bảnh chia sẻ: “Khi có thẻ BHYT sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi. Thí dụ như bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng đáng ra chữa trị mất 100 triệu thì mình chỉ phải đóng 20 triệu, còn 80 triệu là được BHYT chi trả cho mình. Ở đây, có nhiều cô bác có hoàn cảnh khó khăn nhưng khi được tôi vận động, phân tích, khuyên nhủ đều cố gắng tích cóp tham gia để bảo vệ sức khỏe cho mình nên đều đã mua thẻ BHYT”.
Phấn đấu hơn 92% dân số tham gia BHYT vào 2022
Có thể thấy, giá trị của tấm thẻ BHYT đã được người dân ghi nhận và tự chủ động tham gia, không còn thói quen thụ động hay tâm lý trông chờ sự bao cấp của Nhà nước như trước đây.
Ông Dương Văn Thắng, Giám đốc BHXH tỉnh Bến Tre cho biết, nhận thức của người dân tỉnh Bến Tre về lợi ích to lớn của chính sách BHYT đã được nâng cao, nên tỷ lệ tham gia BHYT trên địa bàn ngày càng tăng. Để luôn đảm bảo tốt quyền lợi cho người tham gia BHYT, thời gian qua, ngành BHXH và ngành y tế đã phối hợp rất tích cực. Cùng với sự thuận lợi, linh hoạt của chính sách, pháp luật về BHYT như việc mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT, việc thông tuyến BHYT giúp việc khám chữa bệnh của người dân tiện lợi hơn nhiều. Công tác phục vụ đón tiếp, chi trả quyền lợi BHYT cho người tham gia hiện đã được cải cách theo hướng rất thông thoáng.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, trong chặng đường 30 năm triển khai thực hiện chính sách BHYT, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, độ bao phủ tăng dần qua các năm và đảm bảo mục tiêu bao phủ toàn dân, quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế. Nếu như các năm 2009, 2015 độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 57% và 74,7% dân số, thì đến năm 2021 đã đạt 91% dân số. "Đây là một trong những thành tựu có sự đóng góp không nhỏ của ngành BHXH Việt Nam”, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh.
Song hành với đó, việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ. Hàng năm, có hơn 100 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT được đảm bảo quyền lợi. Năm 2020-2021, do tác động của dịch COVID-19, quỹ BHYT đã cùng ngân sách nhà nước góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả và phòng chống dịch COVID-19, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước.
Ngành BHXH đặt mục tiêu phấn đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc năm 2022 là 92,6%, năm 2023 là 93,2%; năm 2024 là 94,1%; năm 2025 là 95,15%. Để đạt được chỉ tiêu này, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các Sở, ban, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch và giải pháp triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, trình Hội đồng nhân dân để bố trí ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực nhằm hỗ trợ thêm cho người dân tham gia BHYT.
Cụ thể, tập trung hỗ trợ người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 9 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, bảo đảm đạt mục tiêu 100% các đối tượng này tham gia BHYT. Hỗ trợ người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên để tăng tỷ lệ tham gia BHYT của các nhóm đối tượng này...
Nhật Linh