Dù cuộc sống còn khó khăn, song bà Nguyễn Thị Thu, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) vẫn hàng ngày tiết kiệm bằng cách bỏ tiền nuôi heo đất để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Rút tiền tiết kiệm để đóng BHXH tự nguyện
Mỗi ngày tiết kiệm một chút, bà Thu tin rằng sau này khi không còn lao động được nữa, bà sẽ có một chỗ dựa tài chính an tâm trang trải cuộc sống và được chăm sóc sức khỏe. Bà Thu tâm sự: “Tham gia BHXH này rất là tốt, sau này, mình được lĩnh lương hưu hằng tháng cũng đỡ gánh nặng cho con cháu. Mình lại còn có cả thẻ BHYT để đi khám chữa bệnh, không phải lo vì tốn tiền chữa bệnh nữa”.
Người lao động tham gia BHXH tự nguyện sẽ được nhận lương hưu hằng tháng gấp nhiều lần so với mức đóng. |
Không chỉ bà Thu, hàng trăm chị em phụ nữ khác tại huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cũng đang là hội viên tích cực nuôi heo đất để đóng BHXH tự nguyện.
Hay mới đây, câu chuyện của ông Hoàng Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND xã An Đạo (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) nhận được sự quan tâm trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Theo đó, ông Hồng đã trực tiếp đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm để tham gia BHXH tự nguyện cho vợ với tổng số tiền trên 41 triệu đồng. Đây là kết quả từ buổi làm việc trực tiếp với cán bộ BHXH huyện Phù Ninh về việc đôn đốc triển khai tổ chức hội nghị nhóm nhỏ vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Ông Hồng chia sẻ, trước đây do nghĩ vợ mình đã nhiều tuổi mà thời gian đóng 20 năm mới được nghỉ hưu thì quá dài nên vợ ông không tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, sau khi được tư vấn, ông mới biết khi người dân có đủ 10 năm tham gia đóng BHXH tự nguyện mà hết tuổi lao động thì được nộp một lần cho những năm còn thiếu để nghỉ hưu luôn thì rất hợp lý. Đặc biệt, với phương thức đóng 4 năm một lần thì chỉ 3 lần nộp tiền là vợ tôi đã được hưởng hưu trí.
Những ngày tháng 5/2022, BHXH thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) cho biết đã phối hợp với Bưu điện thị xã tổ chức tháng tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa bàn tập trung nhất vào thời gian bà con nông dân, thành viên hợp tác xã đang thu hoạch mùa vụ.
BHXH thị xã phối hợp Bưu điện ra quân diễu hành tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường trục chính của thị xã Phú Thọ; đồng thời chia thành các nhóm nhỏ “đến tận ngõ, gõ tận nhà” các gia đình, khu dân cư, cơ sở kinh doanh để vận động từng người dân.
Đáng lưu ý, các cán bộ còn ra tận cánh đồng, tranh thủ lúc bà con nghỉ ngơi để tuyên truyền, tư vấn cho người dân biết về lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Nhờ sự nhiệt tình, lăn xả này mà các cán bộ ngành BHXH và Bưu điện đã đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến với đông đảo nông dân, thành viên hợp tác xã trên địa bàn.
Phương thức tham gia linh hoạt
Theo BHXH Việt Nam, với mức tham gia chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng, khi đủ điều kiện theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được nhận lương hưu hằng tháng (gấp nhiều lần so với mức đóng) góp phần ổn định cuộc sống khi về già, được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian nhận lương hưu để chăm sóc sức khỏe.
"BHXH tự nguyện là chính sách bảo hiểm của Đảng và Nhà nước mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc nhóm người tham gia BHXH bắt buộc thì đều được tham gia BHXH tự nguyện", BHXH Việt Nam cho biết.
Cụ thể, mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng. Trong đó, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện tối thiểu bằng mức chuẩn hộ nghèo đối với khu vực nông thôn (mức chuẩn hộ nghèo hiện hành là 1.500.000 đồng/người/tháng) và tối đa bằng 20 lần lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng).
Như vậy, kể từ ngày 01/01/2022, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng (22% x 1.500.000 đồng); mức đóng BHXH tự nguyện tối đa là: 6.556.000 đồng/tháng (22% x 29.800.000 đồng).
Đáng chú ý, người lao động có thể đóng BHXH định kỳ theo phương thức hằng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần hoặc nhiều năm một lần (không quá 5 năm/lần). Đặc biệt, người lao động có thể đóng BHXH 1 lần cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm) để đủ điều kiện nhận lương hưu.
Để tham gia BHXH tự nguyện, người lao động tự do, nông dân, thành viên các hợp tác xã có thể thực hiện các thủ tục đăng ký tại cơ quan BHXH nơi mình cư trú (có thể ở nơi tạm trú hoặc thường trú) hoặc các đại lý thu BHXH, BHYT (UBND các xã, phường, thị trấn, Bưu điện, Hội đoàn thể,…).
Theo bà Đinh Thu Hiền, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), Nghị quyết số 28 đưa mục tiêu đến năm 2025 có 45% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH (trong đó 2,5% tham gia BHXH tự nguyện); đến năm 2030 có 60% tham gia BHXH (trong đó 5% tham gia BHXH tự nguyện).
Do vậy, để đạt mục tiêu trên cần mở rộng đối tượng làm việc không theo hợp đồng lao động, có công việc ổn định, có thu nhập, có sự ràng buộc trách nhiệm giữa người nhận công việc, nhận thù lao và người giao việc, trả thù lao; BHXH Việt Nam đề xuất bổ sung chế độ trợ cấp thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện để thu hút người tham gia BHXH tự nguyện. Điều này sẽ đảm bảo hơn nữa quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH.
Nhật Linh