Những năm qua, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người tham gia, hưởng chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tiếp tục được hoàn thiện, số người tham gia BHXH, BHYT tiếp tục tăng trưởng mạnh qua các năm.
Hơn 16,5 triệu người tham gia BHXH
Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, tính đến hết năm 2021, số người tham gia BHXH là hơn 16,5 triệu người, đạt 33,7% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc là gần 15,1 triệu người, số người tham gia BHXH tự nguyện là gần 1,45 triệu người, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, vượt 1,96% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW; số người tham gia BHYT đạt hơn 88,8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.
Đề xuất giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để hưởng lương hưu. |
Tuy vậy, thời gian qua, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH cũng gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt số người lao động rút BHXH một lần duy trì ở mức cao. Theo đó, tại Hội nghị thông tin về chính sách BHXH, BHYT mới đây, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ một số nội dung trong dự thảo sửa đổi Luật BHXH năm 2014.
Trong đó, đáng lưu ý là một số đề xuất như: Bổ sung quy định trợ cấp đối với trường hợp người lao động có thời gian đóng BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng nếu không nhận BHXH một lần theo hướng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn và mức trợ cấp hằng tháng cao hơn.
Đặc biệt, bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với đối tượng có điều kiện và khả năng (như: chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian).
Tăng mức hỗ trợ đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Thêm vào đó, bổ sung chế độ trợ cấp thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện.
Dự thảo sửa đổi Luật cũng đề xuất giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm tiến tới còn 10 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH muộn có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Tăng thêm tính hấp dẫn
Liên quan đến việc rút BHXH một lần, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết một kết quả nghiên cứu cho thấy công nhân thường rút BHXH một lần với những trường hợp đóng dưới 10 năm trở lại.
Nguyên nhân rút BHXH một lần là do không có tích luỹ, thu nhập bấp bênh và không có niềm tin vào công việc dài hạn... Do đó, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải có các giải pháp phù hợp để điều chỉnh bổ sung các quy định về pháp luật lao động và BHXH cho giai đoạn tới nhằm khuyến khích công nhân không lựa chọn hình thức rút BHXH một lần.
Nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Luật BHXH sửa đổi lần này, ông Trần Hải Nam cho rằng, công tác truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong đó, phải đảm bảo chủ động truyền thông trước, trong và sau quá trình xây dựng Luật BHXH sửa đổi, phải làm cho đối tượng được tuyên truyền hiểu rõ về quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH; trong việc tuyên truyền tới nhân dân, đặc biệt chú trọng nhóm người lao động là nông dân, thành viên hợp tác xã, khu vực phi chính thức. Phương pháp tuyên truyền cần chú trọng tuyên truyền bài bản, đồng bộ theo chiến dịch.…
Về phía BHXH Việt Nam, bà Lý Hoàng Minh, Phó Trưởng phòng Hưu trí, Ban Thực hiện chính sách BHXH, đánh giá hiện nay, theo quy định, thời gian người lao động tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm, dẫn tới nhiều người có thời gian tham gia BHXH ngắn nên khi hết tuổi lao động, không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu.
Trước thực trạng này, Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất sửa đổi Luật BHXH năm 2014 theo hướng: Giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH; tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, bổ sung chế độ trợ cấp thai sản nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút, tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện...
"Việc đề xuất sửa đổi luật BHXH lần này nhằm cụ thể hóa các mục tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra, cũng chính là để đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người lao động mong muốn được hưởng lương hưu và có thẻ BHYT để chăm lo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi về già", bà Minh nhấn mạnh.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023; thông qua vào kỳ họp thứ 7, tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025. |
Thy Lê