Xã Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) có trên 90% người dân làm nông nghiệp, thu nhập còn bấp bênh. Tuy nhiên, Quảng Hợp lại được biết đến bởi những kết quả tích cực trong việc tham gia BHXH tự nguyện, đảm bảo cuộc sống an sinh cho nhiều người dân nơi đây.
Người dân sẵn sàng tham gia
Theo ông Nguyễn Ngọc Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp, nếu như năm 2020, toàn xã chỉ có 28 người tham gia BHXH tự nguyện thì đến năm 2021, con số này tăng hơn 10 lần lên 238 người và 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục gia tăng.
Thay vì tuyên truyền dàn trải về chính sách BHXH tự nguyện, ngành BHXH tập trung vào các nhóm chủ thể truyền thông phù hợp. |
Kết quả này đạt được là nhờ thời gian qua, UBND xã Quảng Hợp thường xuyên phối hợp với BHXH huyện Quảng Trạch và các đoàn thể để tuyên truyền, vận động người dân, người lao động tham gia BHXH tự nguyện.
Sau khi được tham dự hội nghị tuyên truyền về chính sách BHXH, ông Võ Hoài Bắc, xã Quảng Hợp (54 tuổi) đã lựa chọn đóng BHXH tự nguyện cho mình và vợ 5 năm liên tục với mức đóng 297.000 đồng/tháng. Ông Bắc chia sẻ, đã nghe nói đến BHXH tự nguyện từ trước nhưng vẫn chưa hiểu rõ. Tuy nhiên, sau khi được nghe tuyên truyền, ông Bắc nhận định: BHXH tự nguyện là chính sách phù hợp với người nông dân như ông. Mỗi ngày chỉ cần tiết kiệm vài nghìn đồng là có thể tham gia, chuẩn bị cho mình một chỗ dựa ổn định khi về già.
Khoản tiền tham gia BHXH tự nguyện cho hai vợ chồng, ông Bắc đã dành dụm tiết kiệm từ nhiều năm nay, đồng thời cũng có sự hỗ trợ từ 2 người con lớn đã lập gia đình gửi về để phụng dưỡng.
Tương tự, bà Trần Thị Hiên, xã Quảng Trạch (53 tuổi) chia sẻ, qua giới thiệu, thông tin của lãnh đạo và các tuyên truyền viên BHXH huyện, bà nhận thấy chính sách BHXH tự nguyện có lợi ích rất thiết thực với lương hưu và thẻ BHYT có mức hưởng cao, là chỗ dựa vững chắc khi hết tuổi lao động. Về mức đóng và thời gian đóng cũng rất linh hoạt, phù hợp với điều kiện của bản thân, nên bà đã quyết định tham gia.
Tập trung vào nhóm đối tượng tiềm năng
Để đạt được kết quả trên, ông Đoàn Quốc Tranh, Giám đốc BHXH huyện Quảng Trạch cho hay, công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình luôn là nhiệm vụ trọng tâm. Hằng tuần, BHXH huyện đều phối hợp với chính quyền xã, các hội đoàn thể tổ chức từ 2 - 3 hội nghị tuyên truyền trong các khu dân cư. Đây là giải pháp mang lại hiệu quả cao nhất do người dân được trao đổi, giải đáp các câu hỏi, thắc mắc một cách trực tiếp, nhanh chóng; người dân cũng được tạo điều kiện để tham gia, nhận sổ BHXH ngay tại hội nghị. Bình quân mỗi hội nghị thường có 40-50% số người tham dự quyết định tham gia BHXH tự nguyện ngay.
Thời gian qua, việc thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền, cũng như tập trung vào các nhóm đối tượng tiềm năng đang là giải pháp được BHXH các địa phương đẩy mạnh.
Đơn cử, BHXH tỉnh Gia Lai xác định cần đẩy mạnh truyền thông, vận động trực tiếp đối với nhóm chủ thể là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, chú trọng đến các nhóm chủ thể tiềm năng, về quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; những rủi ro khi không tham gia BHXH, BHYT. Từ đó, thay đổi nhận thức, hành động và thói quen của người dân để chủ động tham gia BHXH đảm bảo an sinh, ổn định cuộc sống.
"Cần xác định các nhóm chủ thể truyền thông phù hợp, trong đó tập trung vào các nhóm chủ thể tiềm năng như hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ trang trại, thợ thủ công, lao động trong các hợp tác xã, làng nghề truyền thống; người làm nghề tự do có thu nhập như buôn bán, kinh doanh cá thể, tiểu thương, chủ nhà trọ", ông Trần Văn Lực, Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai đặt ra yêu cầu.
Theo đó, thời gian qua, BHXH tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Bưu điện, các đại lý thu triển khai tuyên truyền đến từng cụm dân cư, các hợp tác xã… để phát tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Hiện, trên địa bàn, tỷ lệ BHYT bao phủ với hơn 1.200.000 người có thẻ và hơn 90.000 người dân tham gia BHXH.
Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, BHXH các tỉnh, thành phố cần chú trọng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông để dân hiểu, dân biết, dân tin, dân nghe, dân theo, dân làm trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Tiếp tục tổ chức các đợt truyền thông cao điểm gắn với phát triển người tham gia BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, tập trung truyền thông sâu rộng về những giá trị, lợi ích các chính sách đem đến cho nhân dân, những thiệt thòi khi người lao động lựa chọn nhận BHXH một lần. Qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa, lâu dài nhằm phát triển nhanh và duy trì bền vững người tham gia vào hệ thống an sinh xã hội của đất nước.
Thy Lê