Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, năm 2021, tổng số lao động rút BHXH một lần tăng 13% so với năm trước đó bởi ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư, thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm. 4 tháng đầu năm nay, 302.000 lao động đã rút BHXH một lần, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù tỷ lệ lao động nhận BHXH một lần có xu hướng giảm nhưng xét về con số, rõ ràng đây vẫn là mức cao.
Rút BHXH một lần sẽ không được bảo lưu thời gian đóng
Anh Nguyễn Quang (27 tuổi), lái xe hợp đồng cho một hợp tác xã vận tải hành khách tại Hà Nội cho biết năm 2021, do hoạt động vận tải khó khăn nên anh đã quyết định nghỉ việc ở hợp tác xã để chuyển sang làm lao động tự do. Thời điểm đó, số năm đóng BHXH của anh là 5 năm 7 tháng. "Khi đó do cần một số tiền để duy trì cuộc sống trong khi tìm việc làm mới, tôi đã quyết định làm chế độ nhận BHXH một lần. Nhưng đến nay, tôi nhận thấy quyết định của mình có lẽ đã sai lầm, bởi đã đánh mất thời gian tham gia 5 năm của mình, cũng như quyền lợi được nhận lương hưu khi hết tuổi lao động", anh Quang chia sẻ.
Người lao động nhận BHXH một lần sẽ đánh mất nhiều quyền lợi. |
Thống kê từ BHXH Việt Nam cho thấy, đa phần người hưởng BHXH một lần có tuổi còn trẻ, chủ yếu ở 20-30 tuổi. Người lao động còn có suy nghĩ khó khăn về tài chính, trước mắt rút BHXH một lần sau đó tham gia tiếp. Tuy nhiên, người lao động cần biết rằng việc tham gia lại sẽ ảnh hưởng tới thời gian để hưởng lương hưu rất nhiều.
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho rằng thời gian tới cần phải đẩy mạnh truyền tải thông tin tới người lao động để giữ thời gian tham gia BHXH nhằm hưởng quyền lợi lâu dài. Chính sách BHXH được thiết kế theo nguyên tắc cơ bản đóng - hưởng, mức đóng và thời gian đóng. Nếu người lao động rút sớm thì quyền lợi giảm hơn rất nhiều.
"Thực tế đã cho thấy nhiều người lao động đã hưởng chế độ BHXH một lần, sau đó rất muốn quay lại và có nguyện vọng được đóng nối tiếp nhưng theo quy định sẽ không được cộng dồn mà tính đóng BHXH lại từ đầu", ông Ánh chia sẻ.
Giải thích thêm về điều này, bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, khi hưởng BHXH một lần toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của người lao động không được bảo lưu. So sánh về quyền lợi của người rút và không rút BHXH một lần, người lao động đủ tuổi hưu có nhiều chế độ và quyền lợi hơn là rút BHXH một lần.
Ngoài lương hưu hàng tháng, nhà nước đều có sự điều chỉnh tăng mức hưởng lương hưu theo điều kiện kinh tế xã hội nhất định. Trong 2 năm qua, dù tình hình kinh tế của nước ta có khó khăn nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 01/01/2022. Điều này cho thấy, chính sách của Nhà nước rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu.
Đề xuất tăng quyền lợi cho người tham gia BHXH
Thực tế trên cho thấy rõ ràng cần có những chính sách hạn chế BHXH một lần, song cũng phải tăng quyền lợi lâu dài cho người lao động khi tham gia BHXH. Theo đó, lãnh đạo ngành BHXH cho biết sắp tới khi sửa đổi Luật BHXH, cơ quan này đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH về nội dung trên. Người lao động khi chọn rút BHXH một lần cần cân nhắc kỹ, bởi luật sửa đổi theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 xuống 15, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, tạo điều kiện cho người lao động sớm hưởng lương hưu.
Cụ thể, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng cần giảm điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm và tiến tới 10 năm để hưởng chế độ hưu trí; điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng – hưởng, công bằng, bình đẳng, sẻ chia và bền vững.
Đối với những người lao động mất việc thì được tạo điều kiện tiếp cận các gói tín dụng thuận lợi, nhất khi họ gặp khó khăn để không phải rút BHXH một lần. Tiếp nữa là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Và, một giải pháp rất quan trọng là thực hiện chính sách tạo việc làm bền vững cho người lao động.
Mặt khác, thống kê từ BHXH Việt nam cho thấy, độ bao phủ BHXH liên tục tăng và mở rộng, tính đến đầu tháng 5/2022, số người tham gia BHXH đạt hơn 16,6 triệu người, chiếm 33,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 521.000 người so với cùng kỳ năm 2021, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, tăng 152.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay còn rất thấp so với khoảng 35 triệu lao động phi chính thức đang là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo quy định của pháp luật. Hiện tỷ lệ bao phủ chỉ đạt 2,7% số người trong độ tuổi lao động. Phần lớn người nông dân, thành viên hợp tác xã và lao động khu vực phi chính thức chưa tham gia đóng BHXH.
Chia sẻ về nguyên nhân khiến lao động khu vực phi chính thức nói chung và nông dân, thành viên HTX nói riêng chưa hào hứng với BHXH tự nguyện, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (tên mới hiện là: Ủy ban Xã hội), cho rằng nguyên nhân chính là do lao động tự do không có việc làm và thu nhập không ổn định.
Bên cạnh đó, vấn đề quyền lợi thụ hưởng cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến diện bao phủ BHXH tự nguyện thấp. Người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ gồm: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - tai nạn nghề nghiệp, chế độ hưu trí, chế độ tử tuất. Trong khi BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất.
Thy Lê