Địa lý huyện Hà Quảng phân thành 2 vùng rõ rệt: vùng đồng và vùng cao. Vùng đồng có 7 xã, có thể trồng lúa, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, người dân lại không có nghề phụ hoặc cây trồng gì mang lại hiệu quả kinh tế. Còn ở 12 xã vùng cao (vùng Lục Khu), điều kiện sống khắc nghiệt gấp nhiều lần, người dân sống trên vùng núi đá, thiếu đất sản xuất, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Phát triển 3 cây 1 con
Đầu những năm 2000, huyện Hà Quảng vẫn chưa tìm được hướng đi hiệu quả để thoát khỏi vòng luẩn quẩn nghèo đói. Giữa cảnh khó khăn ấy, Nghị quyết chuyên đề về phát triển "3 cây 1 con" của Đảng bộ huyện ra đời như một luồng gió mới thổi lên những cánh đồng khô hạn, mở ra một tương lai no ấm.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp người dân Đào Ngạn thoát nghèo |
Ông Triệu Đình Lê, lúc đó còn là Bí thư Huyện ủy Hà Quảng, nhận định: “Không có cách nào khác là phải trồng cây ngô, cây lạc nhưng phải có cách làm mới và đem bán lấy tiền mua gạo ăn, chứ không phải chỉ ăn ngô, ăn lạc; phải đẩy mạnh nuôi bò, nhưng không thả rông, không chỉ để cày kéo, mà phải trồng cỏ, nuôi bò nhốt chuồng và bán lấy tiền mua gạo. Đối với vùng đồng bào có truyền thống trồng cây thuốc lá, cần đưa thuốc lá trở thành cây trồng chính”. Từ suy nghĩ ấy, huyện đã đẩy mạnh sản xuất ngô, lạc, thuốc lá, chăn nuôi bò.
Nhờ đó, người dân Hà Quảng đã bỏ dần tập quán sản xuất lạc hậu sang sản xuất hàng hóa, làm kinh tế thị trường. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2005 chỉ đạt 12 triệu đồng/ha, đến nay đã tăng lên hơn 30 triệu đồng/ha ở vùng cao; nhiều xã vùng đồng đạt 50 - 100 triệu đồng/ha.
Sản phẩm nông nghiệp của huyện được thị trường ưa chuộng, sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhà nước, đến nay, tất cả các xã vùng cao đều có đường nhựa, các xóm đều có bể nước phục vụ sinh hoạt cho người dân. Cái đói, cái nghèo đang lùi dần nhường chỗ cho ấm no, tiến bộ.
Là xã vùng thấp của huyện Hà Quảng, Đào Ngạn có 575 hộ với gần 2.200 nhân khẩu. Xác định được tiềm năng, lợi thế của địa phương, Đảng bộ xã Đào Ngạn tập trung chỉ đạo lấy sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hộ gia đình và từng bước mở rộng các loại hình dịch vụ là trọng tâm trong công tác xóa đói, giảm nghèo.
"Trao cần câu thay con cá"
Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi xã, Đào Ngạn đã khai thác thế mạnh trồng cây thuốc lá. Loại cây này đã tạo bước chuyển biến về nhận thức cho nhân dân trong áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng... Giá trị sản xuất cây thuốc lá hàng năm đạt hàng chục tỷ đồng.
Gia đình chị Lục Thị Phần và anh Phan Văn Dũng ở xóm Nà Xả, xã Đào Ngạn được biết đến là một trong những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương. Bắt đầu trồng cây thuốc lá từ năm 1992, thu nhập năm đầu tiên của gia đình anh chị được hơn 10 triệu đồng. Lợi nhuận từ trồng cây thuốc lá, chị mở rộng chăn nuôi trâu, bò, lợn... nhờ đó thu nhập của gia đình năm sau cao hơn năm trước. Riêng việc canh tác cây thuốc lá mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng.
Chăn nuôi lợn cũng là một hướng mũi nhọn giúp người dân Hà Quảng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Hiện, trên địa bàn huyện có trang trại chăn nuôi lợn rừng của HTX Thắng Lợi tại xóm Yên Luật, thị trấn Xuân Hòa được chăn nuôi theo quy trình khép kín.
Tận dụng nguồn thức ăn chăn nuôi lợn dồi dào, có lợi thế trong tổ chức sản xuất và cung ứng lợn rừng, lợn hương rừng, HTX đang nuôi hơn 2.800 con lợn rừng, 500 con lợn hương rừng thương phẩm. Sản phẩm lợn rừng thương phẩm của HTX bán thông qua Công ty cổ phần Phát triển khoa học kỹ thuật NTC (Hà Nội) và Siêu thị Minh Cầu tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Đây là điểm sáng trong mô hình kinh tế trang trại cần được nhân rộng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng Nguyễn Thị Phương, thực hiện chương trình giảm nghèo, huyện tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho các xã, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút, động viên sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện giảm nghèo, hỗ trợ giúp đỡ người nghèo.
Số hộ nghèo chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ hạn chế, tập quán canh tác lạc hậu, thiếu đất sản xuất, thiếu phương tiện sản xuất, lao động không có việc làm... Vì vậy, huyện xác định thay vì trao “con cá” cho các hộ nghèo, sẽ trao cho “cần câu” để người nghèo tự vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.
Thu Huyền