Hành vi vi phạm pháp luật của đại gia Vũ “nhôm” sẽ do cơ quan điều tra xác định rõ đúng sai trong thời gian tới. Chỉ muốn nói, việc giàu lên bất chính nhờ vào những hoạt động mua bán đất công sản thiếu minh bạch hoặc nhóm lợi ích tiêu cực trong lĩnh vực bất động sản được ví như “bề nổi của tảng băng chìm”.
Không khó nhận diện, không dễ quy tội
Ở Đà Nẵng, Thanh tra Chính phủ cách đây 4 năm đã từng chỉ rõ việc giao đất chủ yếu không thông qua đấu giá. Trên thực tế, đã có nhiều sai phạm trong việc quản lý quỹ đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giảm 10% tiền sử dụng đất cho các cá nhân và tổ chức.
Kết cục là nhiều nhà đầu tư sau khi được giao đất đã không thực hiện đầu tư, mà bán cho người khác thu chênh lệch số tiền rất lớn, làm thất thu ngân sách nhà nước khoản tiền hơn 3.400 tỷ đồng.
Và Vũ “nhôm” là một trong những cái tên điển hình. Trong 31 nhà, đất công sản (đều nằm ở những “vị trí vàng”) mà Bộ Công an đang điều tra ở Đà Nẵng cũng không loại trừ cái tên của vị đại gia này. Điều mà dư luận râm ran lâu nay là nếu không có nhóm lợi ích “chống lưng” thì khó mà có những kiểu đại gia ôm đất vàng giá rẻ như vậy.
Ở Tp.HCM hay Hà Nội và một số địa phương khác, chuyện Nhà nước thất thu ngân sách từ những “khu đất vàng” cũng không phải hiếm.
Đáng lo ngại là có những đại gia xem việc cổ phần DNNN đang làm ăn thua lỗ như miếng mồi thơm cần thâu tóm với đất đai ở những “vị trí vàng”. Và khó tránh khỏi những cuộc “đi đêm”, ngã giá, để không đấu giá ở không ít trường hợp.
Theo Ts. Nguyễn Hữu Nguyên, khái niệm “nhóm lợi ích” ở Việt Nam hiện nay là một số ít người có khả năng chi phối, hoặc thao túng, điều khiển cán bộ quản lý, từ đó có những quyết định, chủ trương tạo ra “siêu lợi nhuận” cho các thành viên trong nhóm, bất chấp thiệt hại của Nhà nước và của nhân dân.
Ví dụ như lĩnh vực địa ốc, họ “lobby” để lái chủ trương chính sách theo kịch bản của họ, hoặc “móc ngoặc” để được biết trước thông tin về quy hoạch. Họ mua trước với giá rất rẻ những khu đất sẽ có giá trị sau khi quy hoạch, khi công bố quy hoạch, giá đất sẽ tăng lên và khi đến mức cao nhất thì họ bán, kiếm siêu lợi nhuận.
Ts. Nguyên cho rằng không khó lắm để nhận diện các nhóm lợi ích. Đó là những nhóm người giàu lên nhanh hơn rất nhiều so với những người sản xuất, kinh doanh hợp pháp, nhưng lại không dễ quy tội vì họ rất “kín”.
![]() |
Có những đại gia phất lên nhanh chóng nhờ đất nhưng không đóng góp gì cho sự phát triển sản xuất
Đóng góp gì cho nền kinh tế ?
Như quan ngại của giới chuyên gia về hiện tượng một số đại gia dựa trên quan hệ thân hữu, lũng đoạn chính sách, họ phất lên một cách rất nhanh chóng, không chỉ không đóng góp gì cho sự phát triển của lực lượng sản xuất mà còn “làm nghèo” đất nước.
Khi nói về phát triển KTTN, Gs.Ts Nguyễn Thanh Tuyền - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, có lưu ý về hiện tượng những người giàu mà phần lớn giàu lên nhờ đất đai và chủ yếu nhờ quan hệ.
Từng có một ước lượng là con số này chiếm đến 67% ở khu vực phía Bắc. Như thế thì làm sao GDP có thể tăng lên.
Nên lưu ý thêm, một đánh giá hồi năm ngoái cũng cho thấy số tỷ phú bất động sản chiếm một nửa top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2016. Câu hỏi đặt ra là những tỷ phú bất động sản này đóng góp gì cho nền kinh tế?
Nói về vấn đề đất đai liên quan đến tăng trưởng kinh tế, trong tài liệu của Ban Kinh tế Trung ương và USAID cũng chỉ rõ những bất cập. Đó là tình trạng xin được giao đất, thuê đất theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, xin điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất diễn ra phổ biến ở các địa phương.
Theo đó, cơ chế xin - cho trong đất đai đã làm méo mó thị trường quyền sử dụng đất. Nó tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đối tượng sử dụng đất, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận đất đai của các DN. Đó còn là việc sử dụng đất đai kém hiệu quả, tham nhũng, lãng phí.
Mặt khác, giới chuyên gia cũng nhấn mạnh không ít trường hợp do nhận được nhiều ưu đãi đầu tư từ chính quyền địa phương, chủ đầu tư chiếm dụng đất với quy mô quá lớn, vượt quá khả năng đầu tư của mình. Trong khi đó, người dân có đất nằm trong quy hoạch hoặc bị thu hồi không tiếp tục sản xuất, canh tác được, dẫn đến bức xúc trong xã hội.
Thế Vinh