Ngày 5/10 vừa qua, công ty Idemitsu Q8 (IQ8) đã tổ chức lễ khánh thành cửa hàng xăng dầu, đánh dấu mốc công ty chính thức đặt chân vào thị trường kinh doanh bán lẻ xăng dầu, mang kinh nghiệm và công nghệ từ Nhật Bản và châu Âu đến Việt Nam.
Liên quan đến sự kiện này, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), đã trả lời câu hỏi về việc Petrolimex có đánh giá thế nào khi xuất hiện 1 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu 100% vốn FDI đầu tiên tại thị trường Việt Nam.
Petrolimex sẽ phải đối đầu giành thị phần với đại gia xăng dầu đến từ Nhật Bản
Idemitsu Kosan là công ty đứng thứ 2 Nhật Bản về dầu khí, là một công ty có lịch sử hoạt động tại Việt Nam hơn 20 năm, công ty cũng là một trong những nhà đầu tư chính vào dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn với hơn 160 chuyên gia được điều động tham gia vào dự án này.
Ông Dũng nói: "Thực tra, Petrolimex đã chuẩn bị cho việc này hàng chục năm trước. Với sự định vị chắc chắn của mạng lưới bán lẻ của Petrolimex, chúng tôi sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh sòng phẳng minh bạch trên thị trường xăng dầu hiện nay".
Được biết, thị trường xăng dầu Việt Nam hiện có 23 thương nhân đầu mối và 69 thương nhân phân phối, trong đó thị phần lớn nhất vẫn thuộc về Petrolimex. Về lý thuyết, thị trường xăng dầu có nhiều giá bán, Nhà nước chỉ quy định giá trần nhưng trên thực tế giá bán xăng dầu ở giữa các trạm xăng là không có sự khác biệt đáng kể.
Chính vì vậy, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong lĩnh vực xăng dầu, Việt Nam vẫn chưa có thị trường cạnh tranh thật sự khi vẫn còn những doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.
“Đó là điều bất lợi cho một nền kinh tế thị trường và cho người tiêu dùng”, ông Long nói.
Lê Thuý