Ngày 28/1, hình ảnh màn trình diễn bikini trên chuyến bay của đội tuyển U23 Việt Nam do VietJet Air tài trợ, lan truyền trên mạng xã hội, tạo làn sóng phản đối dữ dội từ công chúng.
Đa phần ý kiến phản đối của công chúng cho rằng các lãnh đạo của Vietjet Air đã không nhận ra các cầu thủ đã trở thành những biểu tượng quốc gia, dân tộc, và do thế đã “đãi” họ – thực ra là “đãi” công chúng – bằng chiêu trò gây sốc chỉ áp dụng với những sản phẩm thông thường.
Tai nạn ngoài ý muốn?
Lãnh đạo Vietjet Air – CEO Nguyễn Thị Phương Thảo – đã có văn bản xin lỗi công chúng. Đồng thời, tại buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 29/1, đại diện Vietjet Air cũng đã gửi lời xin lỗi tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Ban Huấn luyện, Huấn luyện viên, các cầu thủ và người hâm mộ. Đồng thời chịu mức phạt 40 triệu đồng.
Theo vị đại diện này, do muốn tạo sự bất ngờ cho các cầu thủ nên VietJet Air không thông báo chương trình cho mọi người có mặt trên chuyến bay. Đồng thời, do thời gian tổ chức chuyến bay gấp, VietJet Air chưa báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tổng cục Thể dục thể thao), Liên đoàn Bóng đá về nội dung chương trình. Ban lãnh đạo hãng đã kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc cũng như kỷ luật những người liên quan.
Tuy nhiên, sự phẫn nộ vẫn chưa hạ nhiệt, nhiều ý kiến cho rằng chưa hiểu với Vietjet, đây là một “tai nạn” hay là sự cố ý, bởi việc được chọn là nhà tài trợ chuyến bay cho đội tuyển U23 Việt Nam về nước là một cơ hội hiếm có của một hãng hàng không tư nhân trong một sự kiện là tâm điểm của truyền thông cả nước.
Đây không phải là lần đầu tiên Vietjet Air “gây sốc” dư luận với bikini. Hồi tháng 9/2014, hãng bay này từng ra mắt bộ ảnh lịch quảng cáo với Ngọc Trinh cùng dàn người mẫu của hãng Venus và cũng đã vấp phải phản ứng trái chiều.
Nhiều năm nay, hãng hàng không Vietjet được biết đến qua chiêu marketing bằng hình ảnh người mẫu mặc bikini, thậm chí hãng này còn được truyền thông nước ngoài cũng như Việt Nam gọi là “hãng hàng không bikini”.
Năm 2012, hãng này từng bị Thanh Tra Cục Hàng Không phạt 20 triệu đồng vì cho tiếp viên mặc bikini nhảy múa trên chuyến bay khai trương đường bay chặng Sài Gòn-Nha Trang. Hãng này mỗi năm đều in lịch người mẫu bikini để tặng khách.
Theo nhận xét của một chuyên gia thương hiệu, với màn bikini phản cảm, Vietjet Air đã tự đá vào lưới nhà, không những tự thua, mà còn khiến người hâm mộ nổi giận. Nhiều người đã chỉ rõ hành động phản cảm này là chiêu trò PR của hãng hàng không Vietjet.
Cổ phiếu VJC “nhảy múa” cùng sự cố người mẫu
Cổ phiếu “nhảy múa”
Mở cửa phiên giao dịch ngày 29/1, cổ phiếu VJC vẫn tiếp tục tăng mạnh, bất chấp những lời kêu gọi tẩy chay trên các mạng xã hội, diễn đàn chứng khoán… với hãng hàng không giá rẻ này.
Trong nửa đầu phiên sáng, hầu như không có biểu hiện gì là bị tác động bởi “scandal” đang diễn ra. Sau phiên sụt giá mạnh 9.500 đồng (4,8%) phiên 26/1, VJC đã có lúc tăng lên mức 198.000 đồng/cp.
Thế nhưng càng về cuối phiên sáng, đà lao dốc càng mạnh. Và đến đầu giờ chiều, xu hướng giảm điểm của cổ phiếu “bikini” càng trở nên mạnh mẽ, đã có lúc cổ phiếu này chỉ giao dịch ở mức giá 189.000 đồng/cp.
Tuy nhiên, đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/1, VJC được kéo lên mức giá 189.500 đồng/cp, giảm nhẹ 500 đồng /cp, so với phiên trước, với 1,9 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Đây là phiên giao dịch thứ hai liên tiếp, cổ phiếu VJC đóng cửa trong “sắc đỏ”, với mức giảm tổng cộng 10.000 đồng/cp.
Trước đó, VJC đã có 3 phiên trần liên tiếp (phiên ngày 19,22 và 25/1), với mức tăng tổng cộng là 36.600 đồng/cp.
Nhiều nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu VJC cho rằng nguyên nhân của phiên rung lắc ngày 29/1 được cho là đến từ “sự cố bikini” ngày 28/1. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng cổ phiếu VJC “đỏ sàn” là do áp lực chốt lời, hoặc cũng có thể từ nguồn thông tin Vietjet có thể đối mặt với mức án phạt nghiêm từ Cục Hàng không Việt Nam.
Dư âm của phiên giao dịch không mấy tích cực của phiên 29/1, tiếp tục kéo dài trong hầu hết phiên giao dịch ngày 30/1, có lúc cổ phiếu này giao dịch ở mức giá 183.100 đồng/cp – mức giá thấp nhất trong những phiên giao dịch gần đây.
Tuy nhiên, đến cuối phiên giao dịch VJC hồi phục mạnh, tăng gần 3% về mức giá 195.000 đồng/cp, với gần 1,9 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.
Thời gian gần đây, cổ phiếu VJC đang trong đà tăng khá tốt. Thị giá VJC đã tăng hơn 31% trong tháng đầu tiên của năm 2018 và tăng tới 154% so với thời điểm này năm ngoái.
VJC bắt đầu đà tăng từ tháng 9/2017, khi hãng đón nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý III._Mới đây, hãng hàng không này còn công bố kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (mỗi cổ phiếu nhận được 1.000 đồng) ngày 7/2 tới. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân giúp cổ phiếu VJC được các nhà đầu tư săn đón trên sàn chứng khoán.
Thùy Linh