Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có hơn 2 tuần giảm dữ dội khi chỉ số Vn-Index mất khoảng 150 điểm, tương đương 10,5% và hiện đang ở ngưỡng 1.270 điểm (phiên 21/7).
Thực tế cho thấy, nếu tính biên độ tối đa, Vn-Index đạt đỉnh cao lịch sử hôm 2/7 ở 1.424,28 điểm và đáy thấp nhất chỉ số chạm tới cuối tuần trước là 1.264,68 điểm thì mức điều chỉnh mà nhà đầu tư phải trải qua vào khoảng 11,2%.
Nhiều cổ phiếu đã giảm sâu
Thực tế, việc thị trường liên tiếp giảm sâu thời gian qua cũng khiến nhiều cổ phiếu rời xa mức đỉnh giá. Thống kê với các cổ phiếu thuộc VNAllshare trong thời gian tương ứng, có 11 mã giảm trên 25% giá trị (chiếm 4,2% rổ); 75 mã giảm trong khoảng 15-25% (chiếm 28,7%); 72 mã giảm từ 10%-15% (chiếm 27,6%).
Trong đó, 3 nhóm cổ phiếu "nóng" thời gian qua là ngân hàng, chứng khoán và thép ghi nhận mức giảm sâu nhất trước áp lực chốt lời. Thậm chí tại nhiều phiên giao dịch, các cổ phiếu thuộc nhóm này còn giảm hết biên độ.
Tâm lý bắt đáy đã hình thành trên thị trường do nhiều cổ phiếu đã giảm sâu. |
Có thể kể đến như cổ phiếu VIB (VIB) trong nhóm ngân hàng với mức giảm gần 20% trong hơn 1 tháng qua, hiện chỉ còn 41.100 đồng/cp như hiện nay. Giá cổ phiếu VIB ngoài chịu tác động chung từ thị trường còn vấp phải áp lực chốt lời khá lớn khi liên tiếp phá đỉnh và chạm mức cao nhất 74.000 đồng/cp trong phiên 1/6, trước khi điều chỉnh do chia cổ tức sau đó.
Ngoài ra, nhiều bluechip trong nhóm VN30 như BVH (Tập đoàn Bảo Việt), FPT (FPT), HPG (Hòa Phát), MSN (Masan), VNM (Vinamilk), VIC (Vingroup), SAB (Sabeco), VRE (Vincom Retail), MWG (Thế giới di động)... cũng ghi nhận mức giảm hàng chục phần trăm chỉ trong thời gian ngắn khiến thị trường không còn trụ đỡ.
Trước đợt giảm mạnh này, nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng, đây là cơ hội để mua vào những cổ phiếu thuộc doanh nghiệp tốt, có tiềm năng tăng trưởng, mà trong điều kiện bình thường khó có mức giá như hiện nay và bình tĩnh nắm giữ, thay vì chạy theo các nhịp sóng ngắn hạn trên thị trường.
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) nhận định, đợt điều chỉnh này khiến định giá của nhiều cổ phiếu vào vùng quá tốt cho việc đầu tư 6 tháng và dài hơi hơn.
Không đợi khi các chuyên gia khuyến nghị, nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những người mới tham gia thị trường chứng khoán cũng nhen nhóm ý định "bắt đáy" khi cho rằng thị giá của các cổ phiếu hiện nay đang ở trạng thái "sale off" bởi so sánh thị giá hiện tại với một tháng trước đây thì rõ ràng đây là một "món hời".
Điều này đã được chứng minh khi trong tuần trước, rổ VNAllshare đã có 211 cổ phiếu (chiếm 80,8%) nảy lên từ đáy, tức là chốt phiên giá cao hơn giá thấp nhất trong tuần. Có 77 mã (29,5%) đạt mức nảy tăng từ đáy hơn 2%. Rõ ràng phải có lực cầu bắt đáy mới tạo được diễn biến giá như vậy.
Nên hay không?
Việc các cổ phiếu sụt giảm mạnh dẫn đến nảy sinh tâm lý bắt đáy là hoàn toàn bình thường bởi các chỉ số thị trường giảm khoảng 10% vẫn được xem là điều chỉnh ngắn hạn.
Thực tế, từ đáy chu kỳ tăng hiện tại hồi tháng 3/2020 đến nay, VN-Index cũng đã trải qua 2 nhịp điều chỉnh ngắn hạn trên dưới 10% và sau đó tiếp tục đi lên. Do đó, nếu coi nhịp điều chỉnh hiện tại là giảm để tăng tiếp lên đỉnh cao hơn thì vẫn có cơ sở.
Chứng kiến những ngày đỏ lửa vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng vỏ bọc tăng ảo của chứng khoán giờ đã lộ rõ khi thấm đòn Covid-19. Bởi lẽ chứng khoán tăng hay giảm ngoài phụ thuộc vào yếu tố thị trường thì còn bị ảnh hưởng bởi rất nhiều vào tâm lý của các nhà đầu tư. Thời gian vừa qua, chứng khoán Việt chứng kiến nguồn vốn F0 lớn đổ vào thị trường, thế nên, việc họ bán tháo trong lúc này cũng là điều dễ hiểu. Đơn giản vì họ sợ rủi ro.
Theo một nhà đầu tư lâu năm, nếu nhìn vào hoạt động của khối ngoại có thể thấy, trong thời gian qua họ liên tiếp mua vào số lượng lớn, điều này chứng tỏ thị trường chứng khoán vẫn còn tiềm năng tăng trưởng.
"Họ chấp nhận để tiền vài tháng đến vài quý để sinh lợi nhuận khổng lồ và thời điểm này mua vào là tốt nhất", nhà đầu tư nói.
Ở chiều ngược lại, khi đưa ra quan điểm cá nhân về việc "có nên bắt đáy vào thời điểm này", ông Dương Văn Chung - Giám đốc chi nhánh Sở giao dịch 1 Công ty Chứng khoán MB cho rằng, động thái bắt đáy lúc này như “bắt dao rơi”.
"Những nhà đầu tư có mức chấp nhận rủi ro thấp, hoặc đang sử dụng đòn bẩy không nên bắt dao rơi ở nhịp này, mà nên quan sát kỹ thị trường ít nhất trong 2 tuần nữa rồi mới quyết định có mua tiếp hay không", ông Chung cho biết.
Nhìn chung, chiến lược bắt đáy thực chất là đặt cược vào quan điểm kỹ thuật cũng như kỳ vọng một yếu tố hỗ trợ đủ tốt để tạo giá tăng ngắn hạn. Theo đó, nhà đầu tư cần lựa chọn cổ phiếu có biên độ tăng giá tốt hơn Vn-Index để đạt lợi nhuận cao trong thời gian phục hồi giả định bị giới hạn. Và, thị trường hoàn toàn có thể không phục hồi đủ mạnh do các tác động xấu từ bên ngoài mạnh hơn yếu tố hỗ trợ nội tại là kết quả kinh doanh.
Minh Khuê