Thị trường khó có thể thu hút thêm dòng tiền nhàn rỗi. |
Cũng theo ông Linh, ở thời điểm hiện tại, xu hướng ngắn hạn của Vn-Index rõ ràng đã chuyển sang trạng thái tiêu cực với 2 tuần liên tục giảm mạnh, trong đó yếu tố tác động tiêu cực lớn nhất tới thị trường lại đến từ chính các nhóm cổ phiếu trụ cột mang tính lan tỏa cao như ngân hàng, chứng khoán, thép...
Các phiên phục hồi đã diễn ra nhưng đi kèm thanh khoản tụt rất mạnh, đồng thời sự lan tỏa cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (chỉ 1 phiên ngày 15/7), điều này cho thấy các nhịp phục hồi mang nhiều yếu tố kỹ thuật hơn là các tín hiệu đảo chiều đáng tin cậy.
"Không ít nhà đầu tư đã lựa chọn giải pháp đứng ngoài thị trường khi mà rủi ro từ việc lướt sóng T+ vẫn là hiện hữu, cũng như hiệu quả lướt sóng thời gian qua là rất thấp, tôi lo ngại xu hướng này sẽ còn kéo dài", ông Linh nhận định.
Trong khi đó, yếu tố bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là tại TP.HCM nơi được coi là đầu tàu kinh tế của cả nước sẽ lại càng là yếu tố cộng hưởng khiến cho tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn bị tác động mạnh.
Ông Linh cho rằng, với bối cảnh thị trường hiện tại, rất khó để kỳ vọng sẽ có thêm những nguồn tiền “nhàn rỗi, không biết đầu tư vào đâu” đổ thêm vào thị trường chứng khoán, điều vốn đã xảy ra hơn 1 năm qua. Bởi trên thực tế, đợt dịch lần này đã, đang và sẽ có những tác động sâu rộng hơn tới nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán, không như những đợt bùng dịch trước đây.
Về chiến lược đầu tư, ông Linh khuyến nghị, khi rủi ro trong ngắn hạn tăng cao thì điều đầu tiên nhà đầu tư cần làm ngay đó là giảm tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu xuống mức thấp để đảm bảo sự an toàn. Với những nhà đầu tư đang nắm giữ lượng tiền mặt cao, tạm thời không nên mở vị thế mua mới, không ham bắt đáy dù nhiều cổ phiếu đã giảm khá nhanh, mà nên tạm thời đứng ngoài quan sát để chờ đợi thị trường ổn định thật sự trở lại.
Ngoài ra, có thể tận dụng các nhịp phục hồi của thị trường chung cơ cấu danh mục nắm giữ từ các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao sang nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, các doanh nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.
L.L