Nhà đầu tư cá nhân cần xem xét nhiều yếu tố trước khi mua trái phiếu doanh nghiệp. |
Theo đó, các yếu tố cần quan tâm là tình hình tài chính, tỷ suất lợi nhuận, dòng tiền của doanh nghiệp, lịch sử trả trái tức đúng hạn hay không.
Thông thường, doanh nghiệp phát hành trái phiếu làm công cụ nợ để phục vụ mục đích phát triển các dự án cụ thể. Do đó, ông Phương lưu ý nhà đầu tư cá nhân cần đánh giá phương án sử dụng vốn vay trái phiếu có khả thi, hợp lý hay không.
"Doanh nghiệp huy động trái phiếu, nhưng kế hoạch sử dụng vốn không cụ thể, mơ hồ có thể không dùng tiền đúng mục đích, dẫn đến thua lỗ, tạo ra rủi ro cho nhà đầu tư", ông Phương nhấn mạnh.
Ngoài ra, chuyên gia chứng khoán này cũng khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân lưu tâm đến sự ổn định của hoạt động quản trị doanh nghiệp, đặc biệt chú ý với những công ty liên tục xáo trộn cơ cấu hội đồng quản trị, ban điều hành. Các trường hợp như vậy có nguy cơ sử dụng tiền huy động vào mục đích cá nhân riêng, gây rủi ro cho nhà đầu tư.
Theo đó, khi quyết định rót tiền vào kênh trái phiếu doanh nghiệp phải thẩm định được hoạt động kinh doanh, nhận diện các rủi ro của doanh nghiệp, tham khảo kỹ các điều khoản hợp đồng như cam kết mua lại trước hạn, xử lý tài sản đảm bảo. Nếu không đủ khả năng, nhà đầu tư cá nhân có thể tìm đến những tổ chức, chuyên gia tài chính chứng khoán thẩm định giúp.
Đặc biệt, nhà đầu tư cũng cần lưu ý phân bổ cơ cấu tài sản khi rót tiền vào trái phiếu doanh nghiệp. Đây là kênh đầu tư trung dài hạn với kỳ hạn phổ biến trên thị trường 1-3 năm, nên nhà đầu tư cá nhân cần tính toán kỹ về dòng tiền nhàn rỗi của mình, chấp nhận bị chôn vốn trong một khoảng thời gian.
Bởi lẽ trong trường hợp bán trái phiếu doanh nghiệp trước thời điểm đáo hạn, nhà đầu tư có thể chịu thiệt thòi mất một phần lợi nhuận do người mua mặc cả. Hiện tại, chưa có sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ tập trung nên người bán không dễ nhanh chóng tìm được người mua và do đó không nắm lợi thế để đưa ra giá bán như mong muốn.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, có 306 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 186.683 tỷ đồng, trong đó có 293 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 177.098 tỷ đồng và 13 đợt phát hành ra công chúng giá trị 9.584 tỷ đồng.
Nhóm các ngân hàng thương mại vẫn dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 68.113 tỷ đồng, bất động sản xếp vị trí thứ hai với tổng khối lượng phát hành 61.988 tỷ đồng.
N.L