Theo đánh giá của các nhà sản xuất ô tô, đến năm 2030 sẽ có 30% lượng ô tô trên thế giới chạy bằng điện năng. Điều này cho thấy, khả năng phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện, trong đó có các trạm sạc xe điện.
Đầu tư trạm sạc xe điện lãi hơn trạm xăng?
Không phải ngẫu nhiên mà BP - hãng có trụ sở ở London có kế hoạch phát triển mảng kinh doanh trạm sạc xe điện trong những năm tới lên 70.000 điểm sạc vào năm 2030 từ 11.000 điểm hiện nay.
Một trạm sạc xe điện của hãng VinFast ở Đà Nẵng. Ảnh Int |
Với sự gia tăng của xe điện, nhu cầu đối với cơ sở hạ tầng trạm sạc xe điện đang phát triển nhanh chóng và điều này dẫn đến việc các trạm sạc bằng điện trở nên có lợi hơn so với các trạm xăng, công ty năng lượng BP cho biết, những trạm sạc xe điện của họ đang trên đà sinh lời cao hơn so với các trạm xăng
Emma Delaney, người đứng đầu bộ phận khách hàng và sản phẩm của BP cho biết, nhu cầu tăng cao và mạnh mẽ đối với bộ sạc pin nhanh ở Anh và châu Âu đã mang lại tỷ suất lợi nhuận gần với tỷ suất lợi nhuận của các trạm xăng truyền thống. Công ty này cũng tuyên bố rằng, doanh số bán điện của họ để sạc ô tô điện đã tăng 45% trong quý 3 năm 2021 so với quý trước.
Một đối thủ “truyền kiếp” của BP là Shell cũng đang đặt ra mục tiêu có 500.000 điểm sạc toàn cầu đến hết 2025. Hôm 13/1, hãng mở trạm sạc xe điện siêu nhanh đầu tiên tại London, có thể sạc 80% cho một gói pin trên ôtô chỉ trong 10 phút.
Ngày 10/2, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch đầu tư gần 5 tỷ USD để xây dựng hàng nghìn trạm sạc xe điện trên cả nước trong 5 năm. Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản đầu tư cho các bang, một phần trong dự luật dành 1.000 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng hồi tháng 11/2021.
Chính phủ Mỹ nêu rõ các bang cần ưu tiên đầu tư dọc các tuyến đường cao tốc liên bang, với khoảng cách giữa các trạm là 80 km, mỗi trạm có tối thiểu 4 ổ sạc cho 4 phương tiện sử dụng cùng lúc. Quỹ liên bang sẽ chi 80% chi phí sạc xe điện và phần còn lại do các quỹ bang và tư nhân đảm nhận.
Công ty dịch vụ trạm sạc xe điện Electrify America (Mỹ), đơn vị của hãng xe Volkswagen Group of America, cho biết mỗi trạm sạc của công ty này đều được trang bị hệ thống đèn neon xanh lá cây và được đặt ở các vị trí dễ chú ý dọc theo đường cao tốc.
Tháng 11 năm ngoái, Electrify America đã khai trương một trong những trạm sạc xe điện lớn nhất của công ty này tại trung tâm mua sắm Westfield Valley Fair ở Santa Clara, bang California, nơi được lắp đặt 14 trụ sạc nhanh được che bởi một mái vòm lợp bằng tấm năng lượng mặt trời.
"Trong vòng 5 năm tới sẽ có hơn 350 mẫu phương tiện chạy điện được ra đời. Điều này cho thấy, nhu cầu sử dụng các trạm sạc điện tăng lên đáng kể, trên toàn thế giới. Tại bất cứ quốc gia nào, cũng có cơ hội phát triển doanh nghiệp trong ngành này", bà Julia Lee - Giám đốc kinh doanh, Công ty Noodoe cho hay.
Còn tại Việt Nam, nắm bắt xu thế sử dụng phương tiện di chuyển xanh trên toàn thế giới, VinFast- hãng xe điện đầu tiên của Việt Nam không chỉ tập trung vào nghiên cứu, sản xuất mà còn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xe điện, đặc biệt là hệ thống trạm sạc.
Hiện nay, các đối tác sở hữu mặt bằng bãi đỗ xe nếu có nhu cầu lắp đặt và đầu tư trạm sạc xe điện sẽ được VinFast hỗ trợ 100% tiền mua thiết bị, thi công lắp đặt, bảo trì bảo dưỡng và điện năng trong suốt quá trình vận hành. Điều này có nghĩa là các chủ sở hữu bất động sản không những không tốn bất kỳ chi phí gì mà còn được bổ sung thêm một tiện ích hiện đại, văn minh cho khu dân cư. Hơn thế nữa, đây cũng là cơ hội để thu hút, tiếp cận với các đối tượng khách hàng tiềm năng.
Bên cạnh việc hỗ trợ chi phí đầu tư trạm sạc xe ô tô điện VinFast, để tạo điều kiện cho các chủ sở hữu mặt bằng bãi đỗ xe tại chung cư, VinFast còn chia sẻ 10% doanh thu từ dịch vụ sạc điện cho các đối tác.
Trước đó tại Việt Nam, từ năm 2017, ThS Trần Dũng và cộng sự Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung đã chế tạo trạm sạc cho ôtô điện.
Trạm mang dòng điện áp một chiều từ 300-750 V với cường độ tối đa 60 A và công suất đạt 60 kW. Đặc biệt hiệu suất chuyển đổi từ điện lưới sang điện một chiều của trạm lên tới 93%, trong khi hiệu suất chuyển đổi năng lượng ở xe xăng truyền thống chỉ khoảng 17-21%.
Dù đây mới chỉ là một mô hình xây dựng thử nghiệm nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho câu chuyện xây dựng các trạm sạc xe điện ở Việt Nam.
Lo thiếu nếu không đầu tư mạnh vào xây dựng trạm sạc xe điện
Để ngành xe điện phát triển, khuyến khích người dân sử dụng xe điện rộng rãi, việc mở rộng mạng lưới các trạm sạc xe điện tiện lợi được các Chính phủ quan tâm đầu tư. Một số quốc gia châu Âu tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng cho các tổ chức, doanh nghiệp lắp đặt trạm sạc hoặc hỗ trợ với số tiền lên hàng chục nghìn Euro.
BP - hãng có trụ sở ở London có kế hoạch phát triển mảng kinh doanh trạm sạc xe điện trong những năm tới lên 70.000 điểm sạc vào năm 2030 từ 11.000 điểm hiện nay. |
Một báo cáo mới đây do hãng kiểm toán Ernst & Young và tổ chức điện lực châu Âu Eurelectric công bố ngày 8/2 cũng cho thấy, châu Âu sẽ cần đến 65 triệu trạm sạc xe điện, gồm 9 triệu trạm sạc công cộng và 56 triệu trạm sạc ở các khu dân cư, để có thể đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực xe điện ngày càng gia tăng trong thời gian tới. Hiện nay đã có khoảng 3,3 triệu xe điện lưu thông trên các đường phố châu Âu.
Theo thống kê, trong năm 2021, cứ 11 xe ô tô mới bán ra tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) thì có 1 xe chạy điện hoàn toàn, tăng 63% so với năm trước đó. Ernst & Young cho rằng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, từ nay đến năm 2030, châu Âu cần có thêm 500.000 trạm sạc xe điện công cộng mỗi năm và sau đó cần có thêm 1 triệu trạm sạc mỗi năm.
Mặc dù các quốc gia trên thế giới đang có nhiều ưu tiên cho việc xây dựng các trạm sạc xe điện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tốc độ chuyển dịch đầu tư từ trạm xăng sang trạm sạc xe điện vẫn chậm, và nếu tốc độ phát triển các trạm sạc xe điện như hiện nay khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu trong một thị trường đang trên đà bùng nổ.
Ước tính đến cuối thập kỷ này, thế giới cần thêm 40 triệu điểm sạc công cộng nữa mới có thể cân bằng cán cân cung-cầu. Số tiền đầu tư mỗi năm từ nay đến 2030 theo đó rơi vào khoảng 90 tỷ USD.
Ngay cả khi tốc độ chuyển đổi không nhanh như dự kiến, thế giới vẫn cần bỏ ra khoản tiền không hề nhỏ để đầu tư cho cơ sở hạ tầng các trạm sạc điện. Theo Bloomberg NEF, nếu doanh số xe điện trong năm 2040 chỉ bằng 1/3 so với năm 2030, các ông lớn vẫn cần chi ra khoảng 600 tỷ USD đầu tư cho các trạm sạc.
Ông Đỗ Nguyễn Vương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ôtô Volkswagen Việt Nam, cho biết Volkswagen cũng như một số hãng xe khác đang tích cực tìm hiểu thông tin thực tế từ thị trường Việt Nam trước khi có chiến lược cụ thể.
"Chúng tôi cần ghi nhận mức độ người dân ưa thích, quan tâm đến xe điện và khả năng mua như thế nào? Mạng lưới trạm sạc do các hãng đang đầu tư tại Việt Nam có thể chia sẻ cho hãng khác hay không? Nếu có sẵn hệ thống trạm sạc, hãng sẽ mạnh dạn đưa xe điện về tiêu thụ để thăm dò thị trường. Trường hợp tiêu thụ tốt, đạt khoảng 10.000 chiếc/tháng, Volkswagen sẵn sàng đầu tư hệ thống trạm sạc ở Việt Nam" - ông Vương thông tin.
Theo các chuyên gia thuộc lĩnh vực xe điện, xu hướng mua xe ô tô điện và sạc pin hiện đang trong giai đoạn sơ khai nhưng chắc chắn đây sẽ là tương lai của giao thông hiện đại. Vậy nên, những lo lắng về việc nếu không có sự đầu tư thích đáng thì việc thiếu các trạm sạc xe điện không phải không có cơ sở. Dẫu vậy, việc cần chính xác bao nhiêu trạm sạc pin xe điện công cộng cho mỗi chiếc xe ô tô chạy điện vẫn đang là câu hỏi được bỏ ngỏ.
Trà My