Ngày 29/8, tại Hội thảo "Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến", các chuyên gia cho rằng giao thông hiện nay đang là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất, đóng góp đáng kể vào biến đổi khí hậu.
Việt Nam đang có gần 6,5 triệu trạm phát thải
Ước tính, cả nước có 6,5 triệu xe hơi, nếu mỗi chiếc xe hơi lưu thông trên đường được ví như một trạm phát thải di động, thì Việt Nam đang có gần 6,5 triệu trạm phát thải. Đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Do đó, thay thế những trạm phát thải bằng xe điện xanh không những giải quyết vấn đề ô nhiễm, mà còn góp phần thực hiện mục tiêu bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 như cam kết của Chính phủ tại COP26.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE), kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, để "xanh hóa" ngành ô tô, Chính phủ phải tiến hành nhiều giải pháp tổng thể, từ giảm thuế, hỗ trợ “tiền tươi” và cả ưu tiên mua sắm công bằng xe xanh.
"Tại Thái Lan từ rất lâu sử dụng xe ô tô công cộng chạy bằng điện, hay như Mỹ đã đưa ra phụ trợ động cơ giảm tiêu thụ xăng so với các dòng xe trước đây…", ông Nghĩa dẫn chứng.
Sản lượng tiêu thụ xe điện tại Việt Nam được dự báo tăng trưởng bình quân 26% trong giai đoạn 2023-2032. |
Nhìn sang thị trường xe điện Trung Quốc, ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ô tô BYD Việt Nam, cho rằng tốc độ tăng trưởng xe điện trung quốc chiếm 54% trên thế giới, sự phát triển nhanh như vậy nhờ Chính phủ Trung Quốc đã có những chính sách hỗ trợ rõ ràng, triển khai quyết liệt cho doanh nghiệp (DN) đổi mới công nghệ từ xe xăng sang xe điện.
“Khoảng 10 năm trước chi phí sản xuất xe điện rất lớn, Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ 10.000 USD để DN chuyển đổi từ sản xuất xe xăng sang xe điện. Sau đó giảm dần đến nay còn 1.000 USD. Như vậy chính phủ Trung Quốc kích cầu thị trường xe điện rất mạnh”. Đồng thời ông Lực cho hay: Việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho DN chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện không chỉ có Trung Quốc mà một số nước châu Âu như Đức cũng áp dụng chính sách này.
Một giải pháp nữa để xanh hóa ngành ô tô đã được Hàn Quốc áp dụng thành công đó là, Chính phủ nước này đã thúc đẩy tiêu dùng nội địa bằng cách đưa ra các chính sách hỗ trợ sản xuất xe điện trong nước như ưu tiên mua sắm công, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xe điện nội địa… “Hầu hết xe công tại Hàn Quốc được sử dụng phải là xe nội địa, sau đó trở thành phong trào toàn dân Hàn Quốc chỉ sử dụng xe nội địa”, ông Nghĩa cho hay.
Tại Việt Nam, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển xe điện trong nước, theo đó số lượng xe điện được sử dụng ngày càng tăng. Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ GTVT), cho hay trong năm 2019 nhập khẩu 8 xe ô điện, nhưng 8 tháng đầu năm 2024 số xe điện lắp ráp, sản xuất và nhập khẩu về Việt Nam đạt 37.000 xe, nâng tổng số xe điện ắp ráp, sản xuất và nhập khẩu lên gần 68.000 xe.
Dự kiến đến năm 2030 sẽ không dùng xe công cộng sử dụng nhiên liệu hoá thạch mà chuyển đối sang xe điện.
Rào cản lớn nhất là vốn
Theo các chuyên gia, sản lượng tiêu thụ xe điện tại Việt Nam được dự báo tăng trưởng bình quân 26% trong giai đoạn 2023-2032. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển xe điện vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khăn lớn nhất là tiếp cận nguồn vốn xanh bởi theo bộ phận nghiên cứu toàn cầu HSBC ước tính, chỉ riêng việc lắp đặt đủ hạ tầng sạc xe điện và công suất phát điện tái tạo đủ cho lượng xe điện mới theo dự báo cần khoảng 12,3 tỷ USD đầu tư giai đoạn 2024 - 2040.
Ông Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển carbon thấp, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cũng chỉ ra 3 rào cản lớn nhất với DN hiện nay đó là hoạt động sản xuất ô tô “xanh” rất mới với DN nên các DN chưa thể thực hiện ngay được; Cùng với đó, DN cũng gặp khó khăn về tài chính để thay đổi công nghệ sản xuất; Khó khăn thứ 3 là sự thiếu hụt về nguồn lực con người cho việc biến đổi khí hâụ, giảm phát thải.
Đồng tình, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận xét: “Để phát triển được ô tô điện, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn. Đầu tư sản xuất ô tô điện cần tới hàng tỷ USD với lãi vay thấp và kỳ hạn vay dài cho một lần đầu tư. Đây là thách thức lớn của các DN ô tô ở Việt Nam”.
Chuyên gia này cho hay: "Cách đây 7-8 năm, tôi đã từng đi khảo sát nhà máy sản xuất của hãng xe điện BYD. Thời điểm đó, chi phí cho phòng nghiên cứu của họ là 3,3 tỷ USD. Các DN nước ta không thể có số tiền đầu tư nghiên cứu lớn như vậy, vì vậy, Chính phủ phải hỗ trợ nhiều giải pháp cho DN".
Theo ông Nghĩa, một số quốc gia trong giai đoạn đầu phát triển công nghiệp ô tô thường duy trì hệ thống ngân hàng lớn đủ tiềm lực tài chính để tài trợ cho phát triển công nghiệp nặng, hoặc Chính phủ sẽ đứng ra bảo lãnh cho các DN vay bên ngoài để phát triển.
Tuy vậy, hệ thống ngân hàng Việt Nam cổ phần hóa sớm, phân hóa mạnh mẽ. Hiện các ngân hàng nhỏ cạnh tranh nhau khốc liệt, dựa trên nền tảng cho vay bất động sản hoặc thế chấp bằng tài sản là bất động sản. Điều này đã khiến mặt bằng lãi suất bị đẩy lên cao, khiến các ngành công nghiệp khác - đặc biệt là ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, trong đó có ngành ô tô điện - không thể phát triển được cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Trong khi đó, một số chuyên gia kiến nghị, cần hình thành quỹ “tài chính xanh” là một giải pháp cần tính tới để giúp DN đầu tư xe xanh có thể tiếp cận tín dụng.
Ngoài chính sách hỗ trợ về tín dụng, một số chuyên gia kiến nghị có thêm nhiều chính sách về thuế, phí để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia sản xuất xe điện. Cụ thể, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, phí cầu đường, hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các trạm sạc điện để đảm bảo DN có thể phát triển trạm sạc ở nhiều nơi với địa điểm thuận tiện cùng chi phí thấp nhằm hỗ trợ các DN ô tô điện giảm thiểu được chi phí trạm sạc, duy tu, bảo trì sửa chữa pin, đào tạo nhân lực…
“Sử dụng ô tô giảm phát thải khí nhà kính có tác dụng làm sạch môi trường, giảm cả khói bụi carbon và tiếng ồn song chi phí đầu tư lớn. Vì vậy, ngoài nỗ lực của DN, trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt, cần có chính sách hỗ trợ của Chính phủ với một chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô và ngành cơ khí chế tạo lưỡng dụng cho cả kinh tế tiêu dùng và quốc phòng”, TS. Lê Xuân Nghĩa kiến nghị.
Liên quan đến thuế và lệ phí, ông Tiến cho biết hiện Bộ GTVT đã phối hơp bộ Tài Chính thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ xe điện về phí và lệ phí trước bạ về đầu tư công nghệ cao, sản xuất pin và trạm sạc pin…
Thanh Hoa